Châu Âu đã hứng chịu 45 năm khủng bố
Washington Post dẫn thống kê từ Cơ sở Dữ liệu khủng bố toàn cầu (GTD) của Đại học Maryland (Mỹ), cho hay, từ tháng 1/1970 đến tháng 12/2015, có tới 4.724 người chết vì các vụ đánh bom; 2.588 người chết vì bị ám sát, 548 người chết trong các vụ bắt cóc con tin, 159 người chết trong các vụ cướp máy bay, 2.479 người chết trong các vụ tấn công khủng bố khác. Ngoài ra còn hàng nghìn người mất tích và bị thương.
Vậy trong 45 năm qua, châu Âu có tới 10.537 người thiệt mạng trong 18.803 vụ tấn công khủng bố, không kể những vụ khủng bố xảy ra trong các vùng chiến sự.
Các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào như một khu chợ họp trong dịp lễ Giáng sinh ở Berlin (Đức), một đường phố trong ngày quốc khánh Pháp, một chiếc máy bay đang bay qua Scotland hoặc trong ngày khai trường tại một thị trấn nhỏ ở Nga.
Người dân thị trấn Beslan, Bắc Ossetia, Nga đau đớn về những mất mát trong vụ tấn công khủng bố hồi năm 2004. |
Tình trạng tấn công khủng bố ở châu Âu có giảm đi kể từ năm 2004 do đó những vụ tấn công trong năm 2014 và 2015 gây sốc bởi chúng có số người thương vong cao nhất kể từ năm 2004 đó. Mục tiêu bị khủng bố trong thời gian này cũng rất đa dạng, gồm có cả thường dân, các quan chức chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức truyền thông.
Theo GTD, Anh, Nga, Tây Ban Nha và Pháp là một trong những nước có số người thiệt mạng cao nhất trong các vụ tấn công khủng bố trong 45 năm qua.
Nga
3.541 người chết trong 828 vụ tấn công khủng bố
Theo GTD, số người chết liên quan đến tấn công khủng bố ở Nga nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất mà nước Nga phải gánh chịu xảy ra hồi tháng 9/2004. Khi đó, 32 tay súng thuộc tiểu đoàn Riyadus-Salikhin của phong trào ly khai Chechnya với vũ khí hạng nặng đã đột nhập vào một trường học ở Beslan, Bắc Ossetia, khu vực Bắc Caucasus, đúng ngày khai giảng. Chúng bắt 1.100 học sinh và phụ huynh làm con tin.
Hơn 300 người đã bị thiệt mạng trong cuộc bắt cóc kéo dài ba ngày này. Khoảng một nửa trong số đó là trẻ em.
Vương Quốc Anh
2.570 người chết trong 1.679 vụ tấn công
Một mảnh vỡ của chiếc Boeing 747 mang mã hiệu Flight 103 sau khi bị nổ tung trên bầu trờiLockerbie, Scotland năm 1988. |
Phần lớn vụ khủng bố ở Anh trong những năm cuối thế kỷ 20 là do tổ chức khủng bố Quân đội Cộng hòa Ireland Lâm thời (IRA) và các phe phái liên quan tới IRA tiến hành.
Mặc dù IRA là nhóm khủng bố nguy hiểm nhất hoạt động tại Vương quốc Anh nhưng nhóm này không phải là thủ phạm đã gây ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất nước này hồi năm 1988. Đó là vụ đánh bom máy bay trên bầu trời Lockerbie, Scotland.
Vào ngày 21/12/1988, chiếc Boeing 747 mang mã hiệu Flight 103 của hãng Pan Am đã bị cho nổ tung khi chỉ vừa mới cất cánh được hơn 30 phút trong hành trình từ London tới New York.
Toàn bộ 243 hành khách, 16 thành viên phi hành đoàn và 11 người trên mặt đất đã thiệt mạng khi các mảnh vỡ của máy bay rơi xuống nhà của họ tại thị trấn Lockerbie.
Đến năm 2001, Abdel Basset Ali al-Megrahi, một sĩ quan tình báo Libya, đã bị kết tội thực hiện vụ tấn công khủng bố trên tại một tòa án đặc biệt ở Hà Lan.
Tây Ban Nha
1.129 người chết trong 659 vụ tấn công khủng bố
Hiện trường tấn công khủng bố vàohệ thống xe lửa Cercanias ở Madrid hồi năm 2004. |
Tương tự như Vương quốc Anh, các vụ tấn công khủng bố ở Tây Ban Nha hầu hết là do các phong trào ly khai. Đáng chú ý nhất trong số đó là nhóm Tổ quốc và Tự do xứ Basque (ETA). Nhóm này chuyên bắt cóc, ám sát và đánh bom với mục tiêu ly khai xứ Basque. ETA bị giải tán vào năm 2011.
Trong 45 năm qua, vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Tây Ban Nha là loạt đánh bom kết hợp tại hệ thống xe lửa Cercanias ở Madrid xảy ra vào ngày 11/3/2004. Vào đúng giờ cao điểm ngày hôm đó, 10 vụ nổ liên tiếp đã xảy ra tại bốn đoạn đường ga của hệ thống xe lửa đó. Tất cả các xe lửa bị tấn công đều đang đi trên cùng một đường giữa sân ga Alcalá de Henares và sân ga Atocha.
Lữ đoàn Abu Hafs al-Masri, một nhóm có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công trên.
Pháp
405 người chết trong 180 vụ tấn công khủng bố
Năm 2015, nước Pháp đã phải hứng chịu 2 vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất kể từ năm 1970, khiến 140 người thiệt mạng.
Vụ tấn công đầu tiên xảy ra hồi tháng 1/2015 khi ba tay súng có mối liên hệ với tổ chức al-Qaeda ở Yemen và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bắn chết 12 người tại tòa soạn báo Charlie Hebdo tại thủ đô Paris.
Mười tháng sau đó, ngày 13/11, các thành viên của IS đã thực hiện hàng loạt vụ xả súng và đánh bom trên khắp Paris, khiến 130 người thiệt mạng.