Châu Á – Phép thần kỳ đã hết?
Châu Á – Phép thần kỳ đã hết?
Thách thức đang chờ ở phía trước
Năm 2012, trong lúc các quốc gia phương Tây vẫn còn đang phải ngụp lặn trong vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2008. Những hậu quả của vụ vỡ bong bóng bất động sản và tình trạng thất nghiệp vẫn hành hạ nước Mỹ còn châu Âu thì vẫn đang chưa biết làm cách nào để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ nần… nhiều người đã hướng ánh mắt về phía châu Á với sự ghen tị không thể giấu diếm bởi ở đó, các nền kinh tế (ngoại trừ Nhật Bản) vẫn liên tiếp có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Có vẻ như châu Á đang “ăn hết phần” của phương Tây.
Sự phồn thịnh hiện tại của châu Á mới chỉ là giai đoạn đầu của sự phát triển. Nếu không nhanh chóng cải tổ, rất có thể châu Á sẽ phải trở lại "quá khứ nghèo khó" của mình. |
Xét trong nửa thế kỷ qua, điều đó có vẻ đúng nhưng hiện tại và tương lai thì sự thực lại chưa chắc bởi giờ đây các châu Á đang gặp phải khá nhiều những vấn đề có khả năng khiến cho “đoàn tàu” kinh tế của họ đi chệch đường ray và chấm dứt cái gọi là “phép thần kỳ châu Á”.
Không quá khó để nhìn ra những vấn đề này. Trước tiên, đó là sự giảm tốc tăng trưởng một cách đáng kể. Dù cho các nền kinh tế của châu Á vẫn có khả năng tích lũy sự giàu có và của cải nhưng họ không thể phủ nhận một điều rằng nền kinh tế của họ vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào các quốc gia phát triển. Khi phương Tây gặp khủng hoảng, ngay lập tức xuất khẩu của châu Á khủng hoảng theo và đi kèm với đó là tổng năng lực sản xuất của nền kinh tế hay tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong năm 2012, sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đã gặp tình trạng tồi tệ nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Trong quý II năm nay, nền kinh tế Hàn Quốc cũng có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 3 năm qua còn Ấn Độ cũng đang phải chứng kiến tốc độ tăng trưởng lao dốc. Không phải ngẫu nhiên hay quá bi quan khi mà IMF đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của toàn châu Á trong năm 2012 sẽ chỉ đạt 7,1% - một con số không đến nỗi quá tồi tệ nhưng nếu so với mức 9,7% của năm 2010 thì đây quả thực là một bước thụt lùi lớn.
Nhảy qua hay lọt bẫy?
Hầu hết các quốc gia châu Á đều biện hộ rằng đây là sự giảm tốc tạm thời hay “hiện tượng có tính chất chu kỳ” và tất cả sẽ được “sửa chữa” bằng chính sách tài chính nới lỏng hay sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Điều này cũng có phần nào đúng nhưng một nghiên cứu gần đây của các kinh tế gia Frederic Neumann và Sanchita Mukherjee thuộc ngân hàng HSBC lại đặt ra câu hỏi khá khó chịu: Phải chăng sự giảm tốc hiện nay là tín hiệu của những thứ tồi tệ và đáng sợ hơn sắp sửa diễn ra? Liệu rằng khu vực vốn đang quen với những con số tiền tỷ và tốc độ tăng trưởng cao có thể “làm quen” được với sự ì ạch được dự báo là sẽ kéo dài thêm nhiều năm nữa?
Thách thức lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế châu Á là vượt qua được cái "bẫy thu nhập trung bình" |
Thách thức mà châu Á sẽ phải đối mặt trong một vài năm tới sẽ là rất khắc nghiệt và đó chính là kết quả từ sự giàu có mà họ thu được trong những năm qua. Lịch sử đã chứng minh thông qua các nền kinh tế phát triển rằng điều khó chịu nhất và cũng khó vượt qua nhất là làm thế nào để có thể quen được với tốc độ tăng trưởng kinh tế với những con số rất nhỏ. Như các nhà kinh tế Neumann và Mukherjee đã chỉ ra, trong những năm vừa qua châu Á phát triển ồ ạt chủ yếu nhờ vào việc tăng sản lượng của nền kinh tế thông qua cuộc di cư của lao động giá rẻ từ nông thôn ra các khu công nghiệp và được trợ giúp bằng công nghệ đến từ các khoản đầu tư nước ngoài. Vấn đề là quá trình này sẽ khiến mức lương trung bình tăng lên và dần dần, nền kinh tế muốn gia tăng sản lượng phải nhờ sự cải tiến công nghệ, cải tiến khả năng quản lý từ cả 2 cấp độ: doanh nghiệp và chính phủ.
Điều này không hề dễ dàng. Không có nhiều quốc gia đang phát triển có thể vượt qua được ngưỡng này để gia nhập nhóm các nền kinh tế phát triển. Đa số đều trượt chân và sa vào cái “bẫy thu nhập trung bình”.
Và có vẻ như châu Á đang “rủ nhau” chuẩn bị sa bẫy. Những dấu hiệu trong thời gian qua đã cho thấy viễn cảnh này đang ở rất gần. Trước tiên là hiện tượng các nền kinh tế càng giàu có càng phát triển chậm lại. Mức độ chênh lệch về thu nhập (dựa theo sức mua tương đương - PPP) của các nhóm dân cư châu Á ngày càng gia tăng, cụ thể là nhóm người thu nhập thấp tăng nhanh hơn nhóm người có thu nhập cao tới 2 điểm phần trăm. Thứ hai, Neumann và Mukherjee đã khám phá ra rằng mức tăng thu nhập của một số nước châu Á thực tế thấp hơn nhiều so với mức mọi người vẫn tưởng. Bằng các phương pháp đánh giá được quy đổi “ngang giá theo thời điểm hiện tại”, người ta nhận thấy một số nền kinh tế như Malaysia, Thailand, Sri Lanka hay Philippines từ nhiều năm qua đã gần như không có sự thay đổi về thứ hạng nếu so với nền kinh tế Mỹ. Trong lúc này, các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đã chuyển từ nhóm “có thu nhập thấp” sang nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình và suốt nhiều năm qua, châu Á vẫn chỉ có Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong thực sự bước chân được vào nhóm các quốc gia giàu có.
Thực tế có thể còn tồi tệ hơn thế. Nếu các số liệu được tính toán theo cách đã khấu trừ tỷ lệ lạm phát thì Ấn Độ và Indonesia vẫn chỉ là các quốc gia có thu nhập thấp còn Thái Lan và Trung Quốc thuộc nhóm “thu nhập trung bình” dù họ đã thực sự chú trọng phát triển kinh tế trong suốt 40 năm qua.
Các doanh nghiệp châu Á phải chuyển sang mô hình phát triển nhờ sáng tạo. Giáo dục phải hoàn thành nhiệm vụ cho ra đời những người lao động có tay nghề cao và có tư duy sáng tạo chứ không phải chỉ biết “bảo gì làm nấy” như trước. |
Thực tế này nói lên điều gì?
Đó là châu Á, một khu vực dù đã liên tục có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm vẫn rất khó để có thể “biến đổi số phận” của chính mình. Phát triển là cả một quá trình lâu dài và có nhiều chông gai. Việc chuyển đổi từ một nền kinh tế thu nhập thấp sang nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình khá dễ dàng bởi nó chỉ cần có một khung chính sách ổn định và tận dụng được những nguồn lực giá rẻ (vốn, lao động).
Nhưng quá trình “thăng hoa” từ nhóm quốc gia thu nhập trung bình thành một nước công nghiệp phát triển và thu nhập cao lại vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự cải tổ mạnh mẽ và dũng cảm chấp nhận thử thách. Các doanh nghiệp phải chấp nhận từ bỏ mô hình tăng trưởng đơn giản sang mô hình phát triển nhờ sáng tạo và thiết kế. Giáo dục phải hoàn thành nhiệm vụ cho ra đời những người lao động có tay nghề cao và có tư duy sáng tạo chứ không phải chỉ biết “bảo gì làm nấy” như trước còn các nhà hoạch định chính sách phải tạo lập được một môi trường an toàn để khuyến khích các doanh nghiệp chấp nhận rủi ro và đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Điều đáng buồn là hầu hết các quốc gia châu Á hiện nay đều không làm được những bước đi này trong khi họ lại lặp lại những sai lầm của phương Tây một cách quá sớm như: gia tăng sự bất bình đẳng trong thu nhập. Thậm chí ở quốc gia có quá trình tăng trưởng mạnh dài hơn nhất như Trung Quốc, người lao động vẫn chưa được hưởng thành quả từ chính sự tăng trưởng kinh tế này. Nguyên nhân chính là do cấu trúc nền kinh tế của châu Á vẫn quá nặng vào việc thiên vị, ưu đãi các nhà đầu tư và “ngược đãi” người tiêu dùng của chính mình.
Nói một cách ngắn gọn, nếu châu Á muốn tiếp tục tạo ra được “sự thần kỳ” thì họ phải chấp nhận cải tổ nền kinh tế càng sớm càng tốt. Còn nếu không? Việc họ đi vào vết xe đổ của phương Tây như hiện nay chỉ là vấn đề một sớm, một chiều mà thôi.
Trần Du Phong
Theo Time