Châu Á đang có một cuộc chạy đua tàu sân bay với Trung Quốc?
Trước đây, trong khu vực châu Á chỉ có hai quốc gia sở hữu tàu sân bay, đó là Ấn Độ với tàu sân bay lớp Majestic do Anh chế tạo có tuổi đời hơn 50 năm (nay đã ngừng sử dụng) và Thái Lan với tàu sân bay Chakri Naruebet. Cả hai tàu này đều có các máy bay chiến đấu Harriet, phần lớn trong số này đều không thể dùng trong chiến đấu.
Tàu INS Vikramaditya của Ấn Độ. |
Hiện tại, Trung Quốc đang có tàu sân bay Liêu Ninh, vốn là tàu lớp Varyag của Liên Xô được cải tạo và nâng cấp. Thêm vào đó, Ấn Độ sẽ có thêm 2 mẫu hạm mới, đó là tàu INS Vikramaditya, một tàu của Liên Xô được Nga bán đi vào năm 2004, và tàu INS Vikrant được đóng và thử nghiệm trong nước.
Dự kiến trong tương lai, số tàu sân bay của các nước châu Á sẽ tăng lên. Trung Quốc được cho là đang đóng thêm 2 tàu sân bay trong nước và theo kế hoạch, nước này sẽ có tổng cộng 6 tàu sân bay, mỗi tàu sẽ có nhiều máy bay chiến đấu J-15. Ấn Độ dự định sẽ chế tạo ít nhất thêm 3 mẫu hạm nữa. Trong khi đó, ba quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương khác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đều đang mua về các tàu chiến có bãi đáp trực thăng.
Mặc dù chỉ có một vài quốc gia có tàu sân bay cỡ lớn, đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cách thức hoạt động của các lực lượng hải quân các nước châu Á trong tương lai. Với Trung Quốc, điều này có nghĩa là các đội tàu sân bay của nước này sẽ trở thành phương tiện chính để Trung Quốc có thể khẳng định tầm ảnh hưởng của mình tại nhiều vùng biển trên thế giới.
Tuy nhiên, việc một quốc gia sở hữu tàu sân bay không có nghĩa là hải quân của họ có thể triển khai đội tàu sân bay ngay lập tức. Ví dụ, Trung Quốc có thể sẽ cần khoảng 20 năm mới có thể có 6 đội tàu sân bay khác nhau.
Thêm vào đó, việc điều phối hoạt động của tàu sân bay là rất phức tạp. Với các phi công, một trong những thời điểm căng thẳng nhất đó là hạ cánh trên boong tàu sân bay. Đây cũng là khu vực rất nguy hiểm đối với các thủy thủ, bởi kích cỡ tương đối nhỏ của đường băng cũng như tần suất hoạt động liên tục của các máy bay chiến đấu. Do đó, nguy cơ sự cố xảy ra gây tổn hại đến mạng sống của phi công và các đơn vị hỗ trợ là rất cao.
Ngoài ra, các hoạt động của tàu sân bay còn ẩn chứa những vấn đề khác. Một tàu sân bay thường có nhiều loại máy bay quân sự khác nhau, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay mang thiết bị gây nhiễu điện tử, trực thăng săn ngầm và tìm kiếm cứu nạn, máy bay cảnh báo sớm và máy bay vận tải. Hoạt động của các máy bay cần phải được tổ chức chặt chẽ, và điều này đòi hỏi những người trên tàu phải được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm lâu dài.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. |
Những vấn đề nêu trên là lý do vì sao Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể so sánh với Mỹ về khả năng điều phối tàu sân bay. Các tàu của hai quốc gia này có dốc để hỗ trợ máy bay cất cánh và không dùng máy phóng. Điều này khiến tổng số phi cơ của các tàu này cũng như số máy bay có thể cất cánh cùng lúc ít hơn so với tàu Mỹ. Ngoài ra, các máy bay cũng phải giảm bớt số vũ khí mang theo để có thể cất cánh bằng dốc đứng và do đó tầm hoạt động và hỏa lực của chúng cũng kém đi.
Dù vậy, dựa trên tình hình hiện tại, việc các nước Châu Á đang đẩy mạnh mua và chế tạo các tàu sân bay là điều rất đáng chú ý. Trong tương lai, các tàu này sẽ ngày càng hiện đại hơn khi có hệ thống hỗ trợ cất cánh và hạ cánh cũng như có động cơ hạt nhân, cho phép chúng có thể triển khai nhiều máy bay hơn và có tầm hoạt động xa hơn.
Chỉ với một số lượng nhỏ các máy bay chiến đấu như F-35 của Mỹ hay Su-33 của Nga cũng sẽ đóng vai trò quyết định nếu xung đột xảy ra và sẽ khiến sự cân bằng sức mạnh ở những khu vực như eo biển Đài Loan hay Biển Đông bị thay đổi.
Nhìn chung, hải quân các nước Châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng có tầm hoạt động xa hơn, tốc độ triển khai nhanh hơn, cơ động hơn, khả năng chiến đấu mạnh hơn trước và có nhiều kinh nghiệm hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu xung đột trên biển nổ ra, hậu quả để lại sẽ rất lớn.