Chấn thương của cầu thủ Hùng Dũng được xử lý thế nào, mất bao lâu có thể phục hồi?
Với chấn thương của cầu thủ Hùng Dũng, GĐ Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho rằng cần phải phẫu thuật để kết hợp xương, sau 9 tháng có thể tiến hành tháo đinh, tập phục hồi…
Hùng Dũng được đưa ra sân (ảnh VTV news) |
"Sẽ cần một khoảng thời gian để Hùng Dũng có thể quay trở lại sân cỏ", PGS. TS. BS Võ Tường Kha Giám đốc BV Thể thao Việt Nam nói với phóng viên.
Tối 23/3, trong trận đấu với CLB TP.HCM, sau cú vào bóng đầy ác ý của đối phương, tiền vệ Hùng Dũng CLB Hà Nội bị gãy chân. Ngay sau đó, tuyển thủ quốc gia này được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Chẩn đoán ban đầu cho thấy cầu thủ này bị gãy 1/3 dưới xương cẳng chân phải, gãy xương mác và xương chày. Dự kiến trong sáng nay, 24/3, Hùng Dũng sẽ được phẫu thuật.
Với chấn thương này, tương lai của Hùng Dũng sẽ ra sao? Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS. BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết với những trường hợp bị gãy xương, tùy theo mức độ mà có xử trí phù hợp, gãy hở hay gãy kín, gãy nhiều mảnh hay ít mảnh, gãy có di lệch không… Những trường hợp gãy mà chưa di lệch thì chỉ cần bó bột, nhưng nếu có thì phải phẫu thuật đóng đinh, bắt nẹp. Tùy theo mức độ chấn thương mà thời gian phục hồi có thể vài tháng, một năm, thậm chí vài năm.
"Xương gãy sẽ cần thời gian để liền, khoảng vài tháng, với trường hợp gãy xương phải kết hợp đinh, nẹp vít thì cần khoảng 9 tháng để xương liền, ổn định sau đó mổ lấy đinh ra. Chấn thương gãy xương không nguy hiểm đến tính mạng nhưng mất thời gian để phục hồi", ông Kha nói.
Với chấn thương của Hùng Dũng, ông Kha cho rằng cầu thủ này cần phải phẫu thuật để kết hợp xương (mổ lại xếp lại xương), thường 3 tháng xương sẽ liền nhưng để ổn định cần khoảng 9 tháng, sau đó tiến hành tháo đinh, tập phục hồi chức năng.
Trong khi đó, theo ý kiến của một bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật Chấn thương Chỉnh hình, với trường hợp của Hùng Dũng tốt nhất nên mổ kết hợp xương chày (xương to) bằng đóng đinh nội tủy có chốt, đóng kín trên màn tăng sáng, hoặc cũng có thể làm nẹp vít. Đồng thời kết hợp xương mác nẹp vít (vì gãy thấp, liên quan đến khớp cổ chân, mắt cá ngoài nên cần nẹp vít xương bé này).
Thời gian liền xương trung bình đối với gãy thân xương dài từ 4-6 tháng thậm chí lâu hơn tùy thuộc vào cơ địa bệnh nhân, chế độ dinh dưỡng và thuốc phối hợp.
Riêng đối với gãy hai xương cẳng chân 1/3 dưới do hệ thống cơ bao quanh xương chày chỉ chủ yếu mặt sau cẳng chân, còn mặt trước chỉ có da, gân bọc xương, nên thời gian liền xương vùng này thường chậm, thậm chí nhiều trường hợp xương không liền, sẽ phải mổ ghép thêm xương.
Do đó cần phải có chiến lược mổ và điều trị bài bản ngay từ bây giờ. Phương pháp mổ kết hợp xương ít xâm lấn như trên kèm với chế độ dinh dưỡng và thuốc bổ hợp lý ngay từ đầu mới giúp cho sự hồi phục xương sớm và nhanh nhất. Do đó, thời gian để cầu thủ phục hồi và chơi thể thao lại có thể lâu hơn.
Các chuyên gia nhận định, bóng đá là môn thể thao có tỷ lệ chấn thương tương đối cao. Từ những vụ va chạm trên sân hay những cú nhảy đơn giản cũng có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể. Do đó, người tham gia bộ môn này cần phải tuân thủ những quy định cụ thể với lối chơi tôn trọng đối phương.
N. Huyền
Hùng Dũng gãy chân trên sân, dân mạng cầu nguyện cho cầu thủ "tai qua nạn khỏi"
Hiện tại, chấn thương của cầu thủ Hùng Dũng, tiền vệ trung tâm của đội tuyển quốc gia Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ đông đảo cộng đồng mạng.