'Chân dung' Trung Quốc trong năm 2013
Năm 2012 là năm đầu tiên Trung Quốc đưa 1 nữ phi hành gia lên vũ trụ |
Dưới đây là 5 sự kiện được trông ngóng nhất trong năm 2013:
Căng thẳng Mỹ - Trung
Hiện nay, Mỹ đang vô cùng lo ngại trước khả năng tăng trưởng với tốc độ "chóng mặt" về khía cạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tỏ ra e ngại trước sự hiện diện của Mỹ tại châu Á và những chính sách thắt chặt kinh tế được tổng thống Barack Obama thi hành. Song, 2013 được xem là một năm ngang tài ngang sức giữa 2 cường quốc trên thế giới.
Theo đánh giá của giáo sư khoa học chính trị - Xie Tao tại Đại học Nghiên cứu Ngoại giao Bắc Kinh, trọng tâm của năm 2013 gồm 3 yếu tố: "Thứ nhất, tổng thống Barack Obama sẽ bán vũ khí cho Đài Loan vào tháng 1 tới. Thứ hai, liệu Trung Quốc có tiếp tục ngăn cản những nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, Thứ ba, vấn đề Iran".
Trung Quốc – Trung tâm của châu Á
Khi Mỹ chuyển hướng chiến lược sang khu vực châu Á, thì Trung Quốc cũng bắt đầu cân nhắc những mối quan hệ với các quốc gia láng giềng ngay trên "sân nhà". Trong khi mối quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh với Nhật Bản và Hàn Quốc đang dần trở nên mờ nhạt thì quốc gia đông dân nhất thế giới lại tăng cường mở rộng thương mại với các quốc gia Đông Nam Á như Lào và Myanmar.
Jane Perlez - giám đốc ngoại giao của tờ New York Times có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng “Trung Quốc là một “tay chịu chi” tại Đông Nam Á. Bởi quốc gia này đã chi hàng tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng xây dựng đường bộ và đường sắt tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, tốc độ tăng trưởng tăng hay giảm của Trung Quốc đều có tầm ảnh hưởng nhất định trong toàn khu vực”.
Tuy nhiên, sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, Philippines và Nhật Bản trong các cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo trên khu vực Biển Đông và cả với Myanmar trong hoạt động khai thác khoáng sản đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu Bắc Kinh đang sa vào cuộc chiến ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á.
Ưu tiên chống tham nhũng
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với vô vàn thách thức cần phải giải quyết triệt để như khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc, đưa ra những chính sách cải cách xã hội, chống nạn tham nhũng trong đội ngũ chính trị cũng như hàng loạt scandal bê bối tình dục liên quan tới giới quan chức trong Đảng Cộng sản. Song vấn đề ưu tiên hàng đầu hiện nay là Đảng Cộng sản Trung Quốc cần tập trung làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo.
Chuyên gia bình luận chính trị - Frank Ching cho rằng: “Sau kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, tân Tổng bí thư Tập Cận Bình đã không hề nhắc tới các chính sách ngoại giao cũng như mối quan hệ với các nước trên thế giới. Bởi theo tôi, ông Bình đã nhận thấy những vấn đề nghiêm trọng ngay trong nội bộ đất nước và đây chính là điều đầu tiên cần phải giải quyết khi ông Bình lên nắm quyền”.
Bùng nổ smartphone – Bùng nổ bạo loạn?
Hiện nay, Trung Quốc được dự báo là thị trường Internet lớn nhất thế giới, thậm chí soái ngôi vị quốc gia sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) nhiều nhất thế giới của Mỹ. Theo khảo sát của IDC, ngay trong năm nay, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêu thụ smartphone.
Với giá bán lẻ chỉ 160 USD, những thế hệ smartphone siêu rẻ của Trung Quốc đang tạo ra những tác động đa chiều trong xã hội Trung Quốc.
Nhà biên tập tổ chức The Next Web tại Trung Quốc - Josh Ong cho rằng: “Ngày càng nhiều khách hàng Trung Quốc tỏ ra thờ ơ với các thế hệ máy tính để bàn, máy tính xách tay và sách điện tử bởi cả thế giới đã thu nhỏ trong chiếc điện thoại mà họ đang sở hữu. Sinh viên, công nhân di cư và cả những người dân nông thôn sẽ nhận được những tiện ích chưa từng có khi sở hữu một chiếc smartphone”.
Tuy nhiên, doanh số bán smartphone gia tăng đồng nghĩa với việc chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ các cuộc biểu tình, bạo loạn – một yếu tố gây áp lực lớn cho các nhà quản lý trong khâu kiểm duyệt thông tin mạng.
Mặt trăng - Điểm đến năm 2013
Theo kế hoạch, con tàu vũ trụ Hằng Nga-3 của Trung Quốc sẽ đặt chân lên Mặt trăng trong giai đoạn nửa cuối năm 2013. Một khi Hằng Nga-3 hạ cánh an toàn xuống khu vực bề mặt Mặt trăng, nó sẽ là dấu mốc khẳng định sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực khoa học của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Điển hình như trong năm nay, Trung Quốc đã ghi dấu trong cộng đồng khoa học thế giới bằng việc trong cùng một tuần đưa tàu ngầm lặn xuống khu vực rãnh Mariana - rãnh đại dương sâu nhất trong lớp vỏ Trái đất và đưa con tàu vũ trụ Thần Châu-9 ghép nối thành công với trạm vũ trụ Thiên Cung-1.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc đặt chân lên Mặt trăng, sự kiện này sẽ không còn chỉ là niềm tự hào của quốc gia mà nó còn mở ra kỷ nguyên thám hiểm mọi ngóc ngách trên thế giới khiến cộng đồng quốc tế không khỏi e ngại.