Cha mẹ cần xây dựng mối quan hệ an toàn cho trẻ, phòng chống tự tử ở trẻ em
Mỗi ngày Đơn vị tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đều tiếp nhận khoảng chục trẻ tới khám vì các vấn đề rối loạn tâm lý trong đó có trẻ bị trầm cảm.
Thậm chí, có trẻ đã có hành vi tự huỷ hoại bản thân mình, tự sát. Trẻ bị trầm cảm nhưng cha mẹ hầu như không biết chỉ tới khi con có hành vi tìm tới cái chết mới giật mình đưa con tới tìm chuyên gia hỗ trợ.
Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện – Đơn vị tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày khám bệnh, tư vấn cho các bậc phụ huynh về trường hợp con của họ bị trầm cảm. Nhiều phụ huynh cho rằng con của mình không thể bị trầm cảm.
Thực tế, chuyên gia Toàn Thiện cho biết trầm cảm không phải là cảm giác buồn thoáng qua, buồn vu vơ do điểm kém, do mất cuốn sách, mất hộp bút… Trầm cảm ở trẻ là tình trạng kéo dài ít nhất 2 tuần trở lên. Trẻ có khó khăn về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, khí sắc giảm.
Cũng theo chuyên gia Thiện, trầm cảm ở trẻ nguyên nhân từ đâu vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, bản thân đặc điểm tâm trí của mỗi người cộng thêm các yếu tố từ môi trường tác động. Các yếu tố này có thể là: thất bại trong học tập, chia ly trong gia đình, mối quan hệ với bạn bè có vấn đề, thần tượng của mình sụp đổ, trẻ không đạt được điều mình mong muốn… Các yếu tố bất lợi về môi trường kết hợp với yếu tố ứng phó kém của trẻ sẽ khởi phát giai đoạn trầm cảm ở trẻ.
Nếu không phát hiện sớm trẻ bị trầm cảm để điều trị sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ, việc học hành, nghỉ ngơi của trẻ. Đặc biệt, trẻ vị thành niên có thể có hành vi gây hại cho bản thân, thậm chí tự sát do trầm cảm.
Trầm cảm ở trẻ em có biểu hiện kéo dài trên hai tuần: Trẻ buồn, lo lắng, mất hứng thú. Trẻ luôn thấy mình tồi tệ, không có giá trị, trẻ thấy mình thất bại, không được yêu thương. Trẻ có thể ngủ nhiều hoặc mất ngủ. Thậm chí, trẻ chán ăn hoặc ăn rất nhiều. Trẻ tỏ ra thụ động, ù lì. Trẻ tỏ ra cáu kỉnh.
Trầm cảm ở trẻ em khác người lớn - trẻ có thể tức giận. Có trẻ có dấu hiệu nói về cái chết. Một đứa trẻ đang có biểu hiện buồn phiền, lo lắng và chúng nói chúng không muốn sống thì đây là thời điểm trẻ có sự chuẩn bị cho cái chết của mình. Một số trẻ cũng có hành vi chuẩn bị thuốc, các dụng cụ có thể tự huỷ hoại bản thân mình.
Để nhận biết các dấu hiệu về tâm lý của trẻ em, chuyên gia tâm lý Thiện cho rằng cha mẹ cần dành thời gian cho trẻ em.
Nếu cha mẹ không có thời gian ở gần con, ăn cơm chung, xem phim chung với con thì rất khó nhận ra những thay đổi của trẻ.
Thiếu sinh hoạt chung khó phát hiện biểu hiện khó khăn cảm xúc của con. Mỗi ngày, cha mẹ cần cố gắng dành thời gian cho sinh hoạt chung của gia đình để nhận biết sự thay đổi của con mình.
Nếu phát hiện các bất thường của trẻ bạn cần cho trẻ tới các cơ sở y tế để can thiệp kịp thời.
Để phòng trầm cảm ở trẻ, theo chuyên gia, phụ huynh nên làm bạn với con. Trong gia đình khi trẻ chia sẻ điều gì phụ huynh phản ứng, la mắng thậm chí đánh đập thì trẻ sẽ nhận thấy môi trường gia đình là môi trường không an toàn, trẻ sẽ không chia sẻ với cha mẹ.
Mối quan hệ này cần xây dựng trong thời gian dài. Mối quan hệ của cha mẹ và con cái phải để trẻ cảm thấy an toàn, trẻ sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ.
Trẻ bị trầm cảm cần điều trị trong một quá trình lâu dài. Trẻ có thể sử dụng thuốc cùng với chuyên gia tâm lý sử dụng các phương pháp trị liệu tâm lý, can thiệp nhận thức, hành vi.
Can thiệp qua nghệ thuật, trò chơi để trẻ thoát khỏi tình trạng trầm cảm. Điều trị cho trẻ cần sự phối hợp của cha mẹ và phải kiên trì.
Chuyên gia Toàn Thiện cho rằng trẻ trầm cảm không thể điều trị khỏi sau 1 viên thuốc mà cần quá trình. Việc điều trị cần cam kết của gia đình để tránh trẻ tái phát trầm cảm.
Khánh Chi