Cây đinh lăng dễ trồng, dễ bán
Diện tích cây đinh lăng đang được mở rộng |
Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế của cây đinh lăng, nhiều người dân trong tỉnh đã đưa loại cây vốn chỉ để làm cảnh này vào trồng hàng loạt và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Trung Vương ở xã Hồng Phong là một trong những người tiên phong trồng đinh lăng đại trà ở huyện Nam Sách. Do đang làm việc tại Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương nên anh nắm bắt được nhu cầu sử dụng đinh lăng làm thuốc ngày càng cao. Năm 2012, anh thuê 1 ha đất tại địa phương để trồng thử nghiệm giống cây này. Anh Vương cho biết: "Không giống như những loại cây khác, đinh lăng dễ trồng, chỉ phải vất vả 5 tháng đầu chăm sóc liên tục cho cây phát triển ổn định còn thời gian sau cứ 3 tháng mới phải chăm sóc một lần. Tuy nhiên, giống cây này phải trồng từ 3-5 năm mới cho thu hoạch cao". Đầu năm 2015, anh Vương bán hơn 30 tấn đinh lăng, được gần 1 tỷ đồng, thu lãi hơn 300 triệu đồng. Từ đó, anh bắt đầu mở rộng quy mô trồng đinh lăng và trồng xen các cây dược liệu khác như gấc, cỏ ngọt... để tận dụng quỹ đất. Đến nay, diện tích trang trại trồng đinh lăng của anh đã lên tới hơn 6 ha. Theo anh Vương, trồng đinh lăng tuy đơn giản, nhưng cũng phải đúng kỹ thuật để cho cây phát triển, đặc biệt là củ - bộ phận cho giá trị kinh tế cao nhất.
Cũng trồng gần 3 ha đinh lăng nhưng khác với gia đình anh Vương là đã tính toán được đầu ra cho sản phẩm ngay từ đầu, anh Nguyễn Đức Cường ở xã Tân Việt (Thanh Hà) chỉ trồng với mục đích cải thiện môi trường chuồng trại. Theo anh Cường, năm 2013, anh thầu 4 ha đất thuộc xã Liên Hòa (Kim Thành) để làm kinh tế trang trại. Lúc đầu, anh tập trung toàn bộ vào nuôi lợn và thả cá. Diện tích đất còn lại anh trồng ổi vừa tạo thêm thu nhập, vừa bảo đảm môi trường thông thoáng cho vật nuôi. Tuy nhiên, do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc cũng như điều kiện về đất đai, ổi của anh chết nhiều, số còn lại cho năng suất thấp. Anh Cường cho biết: "Khi ổi chết nhiều, tôi băn khoăn để tìm giống cây khác thay thế. Sau khi đắn đo lựa chọn giữa nhiều loại cây khác nhau, tôi quyết định trồng đinh lăng". Lý giải về lựa chọn này, anh Cường cho biết thêm, khi đang "đau đầu" tìm giống cây phù hợp, anh để ý thấy 3 cây đinh lăng trồng trong vườn nhà ít được chăm sóc nhưng vẫn tươi tốt, cành lá sum suê, gia đình vẫn thường hái lá bán cho các cửa hàng ăn trong huyện. Thấy vậy, anh nghĩ rằng loại cây này có thể thích hợp với mọi loại đất trồng, không tốn công chăm sóc nên đã mua 1.000 cây đinh lăng về trồng xung quanh trang trại. Sau hơn 1 năm trồng, có nhiều thương lái đến hỏi mua lá và cành đinh lăng. Lúc đó, anh Cường mới bắt đầu để ý tới giá trị của loại cây này. Anh tìm hiểu trên mạng internet, qua đài báo, đồng thời liên hệ với những hộ trồng đinh lăng để nắm bắt thêm thông tin về kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ. Sau đó, anh quyết định phá bỏ số ổi còn lại chuyển sang trồng toàn bộ đinh lăng. Hiện tại, trang trại của anh có hơn 40.000 gốc đinh lăng, trong đó gần 1.000 gốc chuẩn bị cho thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Mý ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cũng trồng hơn 500 gốc đinh lăng xung quanh ao cá của gia đình. Chị cho biết: "Trước đây, gia đình trồng nhiều loại cây khác nhau như ổi, chanh, quất... quanh bờ ao để giữ cho đất không bị lở. Nhưng do không có điều kiện chăm sóc nên các loại cây này đều không cho thu hoạch. Nghe mọi người bảo nhau là trồng đinh lăng dễ chăm sóc lại được giá nên tôi đầu tư hơn 2 triệu mua cây giống để về trồng thử. Dù mới trồng 2 năm, nhưng có nhiều người đã đến hỏi mua. Sắp tới, nếu bán loạt đinh lăng này mà cho thu nhập tốt, tôi sẽ thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng".
Đinh lăng là loại cây có thể tận thu được toàn bộ gốc, rễ, cành, lá, không chỉ vậy nó còn dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau nên hiện nay, có nhiều người dân quan tâm tới cây dược liệu này. Hơn nữa, cây giống được nhân bằng biện pháp giâm cành, không phức tạp như chiết và ghép nên người dân có thể tự làm khi trồng bổ sung, hay mở rộng diện tích. Thị trường tiêu thụ đinh lăng thuận lợi do các bộ phận của loại cây này có thể dùng chế biến cao, thuốc, trà... Anh Đinh Gia Thắng ở Quỳnh Côi (Thái Bình), người chuyên thu mua đinh lăng ở Hải Dương cho biết: "Thời điểm hiện tại, giá của cành và lá đinh lăng dao động từ 22.000 - 30.000 đồng/kg, nếu sấy khô thì khoảng hơn 100.000 đồng/kg. Củ đinh lăng có giá cao hơn tùy thuộc vào năm tuổi của cây, cây từ 3-5 tuổi giá 100.000 - 120.000 đồng/kg; cây lâu năm có thể lên tới 1 triệu đồng/kg. Chính vì vậy mà người dân thường bán lá, cành trước, ít khi bán cả cây, để thời gian nuôi củ lớn bán với giá cao. Những cây từ 15-20 năm tuổi, trọng lượng củ thường là 10-20 kg, với mức giá như trên, người dân thu lãi cao và khoản thu từ cành và lá cũng không nhỏ. Với kinh nghiệm thu mua đinh lăng nhiều năm ở các tỉnh và bản thân cũng là người trồng, nhân giống đinh lăng có tiếng ở Thái Bình, anh Thắng nhận định điều kiện về thổ nhưỡng và khí hậu Hải Dương thuận lợi để giống cây này phát triển.
Được coi là "nhân sâm của người nghèo", cây đinh lăng đã và đang tạo ra thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, để loại cây này có thể phát triển bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người dẫn cần được định hướng đúng, tránh trồng ồ ạt khiến cung vượt cầu, được mùa mất giá như một số cây trồng khác.
MƠ NGUYỄN/Báo Hải Dương