Cây 'có chất độc gấp 6.000 lần xyanua' có phải cây thầu dầu tía ở Việt Nam?
Sau bài báo "Phát hiện cây xanh có chất độc gấp 6.000 lần xyanua trong bồn hoa công cộng" ở khu vực Conwy, North Wales Infonet đăng tải ngày 16/11, nhiều độc giả cho biết loại cây này tương tự với cây thầu dầu tía khá phổ biến tại Việt Nam. Điều này dấy lên lo ngại, liệu cây thầu dầu tía có thực sự độc như cô gái trong bài phản ánh hay không?
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Đậu Xuân Cảnh cho rằng hai loài cây khác nhau. Bởi cây thầu dầu tía hoa đỏ, còn cây “có chất độc gấp 6.000 lần xyanua” trong bài báo lại có hoa màu vàng. Ông Cảnh cho rằng “cần thận trọng với những cây mới chưa được nghiên cứu trước khi du nhập vào nước ta”.
Trong khi đó, nếu căn cứ vào tên khoa học (Ricinus communis) và hình ảnh loài cây “có chất độc gấp 6.000 lần xyanua” trong bài báo Infonet đăng tải mới đây, TS Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho rằng nó đúng là cây thầu dầu tía ở Việt Nam.
Tuy nhiên, TS. Ngô Đức Phương cho rằng, có thể người phản ánh trong bài viết chưa chính xác. Bởi theo nội dung phản ánh, cô gái – người phát hiện “loại cây có chất độc gấp 6.000 lần xyanua trong khu vực trồng hoa nơi công cộng ở Conwy, North Wales” cho biết chỉ sử dụng “phần mềm nhận dạng thực vật”. Điều này có thể xảy ra hai tình huống: hoặc hình ảnh cô ấy đưa vào phần mềm đúng như cây cô ấy nhìn thấy hoặc loài cây na ná.
“Cây thầu dầu không độc đến mức như bài báo nêu: “Tất cả các bộ phận của cây đều có độc tính cao. Chỉ một lượng độc bằng hạt cát cũng có thể cướp đi sinh mạng của một người trưởng thành”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ có hạt cây thầu dầu mới chứa chất độc.
Theo đó, trong hạt của thầu dầu có hàm lượng ricin có thể gây độc nên không dùng để uống mà chỉ dùng đun lên hoặc đắp để chữa đau nhức xương khớp bên ngoài. Khi sử dụng cách này, thầu dầu hoàn toàn không độc hại mà còn có lợi”, TS. Ngô Đức Phương cho hay.
Theo TS Ngô Đức Phương, cây thầu dầu hay còn có tên gọi khác như: đu đủ tía, tỳ ma, co húng hom (Thái), dù xủng, Slùng đeng (Tày), Mạ puông sí (Dao), dầu ve… với tên khoa học là Ricinus communis L.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, trong hạt thầu dầu có 40-50% dầu, 25% chất anbummoil. Một chất có tinh thể và nitơ (rixidin), axit malic, đường muối, xenluloza, ricin và ricinin và axit unđexylenic có tác dụng chống nấm rất mạnh và được dùng trong kỹ nghệ nước hoa (tổng hợp unđecanon, nonanon, anđehyt unđexylenic, heptin cacbonat metyl) kỹ nghệ cao phân tử.
Dầu thầu dầu có tác dụng tẩy nhẹ. Uống lúc đói với liều 10-30g. Sau khi uống 3 đến 4 giờ sẽ gây đi ngoài nhiều, mà không đau bụng. Với liều 30-50g, đi ngoài sẽ kéo dài 5-6 giờ.
Đáng lưu ý, dầu này không gây một hiện tượng sót nào trong ruột. Theo dõi bằng X quang, người ta thấy ruột non và ruột già co bóp nhiều hơn. Nó không ảnh hưởng tới xương chậu nhỏ, do đó rất tốt cho phụ nữ có thai mà táo bón.
“Nhưng nếu dùng thường xuyên nó có thể gây chán ăn (anorexie), lưỡi trắng và có khi sốt. Nguyên nhân hiện tượng này có thể là do không tiêu, chứ không gây tổn thương nào trên niêm mạc”, TS Ngô Đức Phương thông tin.
Ông dẫn chứng một nghiên cứu của Valette và Salvanet (1936) cho thấy tác dụng tẩy của dầu thầu dầu là do axit rixinoleic được giải phóng trong ruột. Axit này tác dụng lên mẩu đầu ruột non.
Tuy nhiên chất ricin là một chất độc. Với liều 0,002mg, đối với 1kg thể trọng đã làm chết một con thỏ. Tác dụng độc của nó giống như vi trùng. Nó có thể gây miễn dịch: Cho súc vật ăn với liều nhỏ, nhiều lần, thì sau đó súc vật có thể ăn với liều khá cao mà không chết.
“Ricin bị nhiệt độ cao phá huỷ, cho nên có nơi có thể cho lợn ăn khô thầu dầu đã hấp nóng 115°C trong một giờ rưỡi. Đây cũng có thể là lý do ở một vài nơi người ta ăn hạt thầu dầu xào nấu mà không thấy hiện tượng ngộ độc”, TS. Ngô Đức Phương cho hay.
TS Ngô Đức Phương nhấn mạnh, nếu không bị phá huỷ (ở nhiệt độ cao), độ độc của nó rất cao: 3g khô dầu đủ giết chết một con bò non nặng 100kg, chỉ cần tiêm 0,03mg cho 1kg thể trọng chó là đủ giết chết chó. Liều độc đối với một con chuội bạch nặng 500g là 6 phần triệu gam tức là đối với chuột bạch, ricin độc gấp 7 lần chất aconitin là một chất độc vào loại độc nhất có trong ổ dầu (Aconitum).
“Liều độc với người là 3mg tiêm dưới da, 180mg uống. Theo đó, một hạt thầu dầu tía đủ gây nôn mửa, 3-4 hạt đủ làm trẻ con chết, 14-15 hạt làm chết người lớn. Thực tế cũng đã ghi nhân 5 trẻ ở Tuyên Quang bị ngộ độc sau khi ăn hạt thầu dầu tươi”, TS. Ngô Đức Phương thông tin.
Với nhiều năm đi rừng, viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, theo kinh nghiệm dân gian thì cây thầu dầu được sử dụng trong một số trường hợp như:
Sót nhau sau đẻ: giã hạt hoặc lá đắp vào gan bàn chân;
Sa tử cung, sa đì, trĩ: giã hạt hoặc lá đắp vào rốn hoặc đỉnh đầu (vị trí huyệt bách hội)
Chữa méo mồm, méo mặt: dùng lá thầu dầu giã cùng máu lươn (lấy từ đuôi) đắp vào bên đối diện để kéo cân bằng lại.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của người Tày ở vùng Mộc Châu – Sơn La, dùng rễ cây thầu dầu kết hợp với rễ cây thóc lép uống có tác dụng chữa bệnh trĩ.
Theo kinh nghiệm của một số người dân vùng Quỳnh Lưu - Nghệ An, dùng thân cây thầu dầu kết hợp với một số vị thuốc khác sắc uống dùng chữa đau nhức xương khớp.
N. Huyền