Cầu thang - nơi tiềm ẩn những tai nạn thương tích cho trẻ
Bé N.H.N (17 tháng tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) đang giai đoạn chập chững biết đi. Gia đình của bé xây nhà mới, tầng hai là gác lửng được thiết kế lan can kính. Một lần, bé N. đang chơi đùa thì đu lên kính, bé rơi từ tầng hai xuống bếp.
Mẹ của N. chia sẻ cầu thang đã được mẹ dùng cũi ngáng nhưng không nghĩ bé sẽ trèo vượt cả lan can. Bố mẹ bận chỉ trong vài phút không để ý đến con, tai nạn đã xảy ra.
Khi bé được đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương đã bị chấn thương sọ não. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và theo dõi máu tụ ở màng cứng cho bé. Sau 12h tình trạng trẻ nặng hơn, bác sĩ buộc phải phẫu thuật lấy máu tụ ở não.
Còn trường hợp trẻ khác là bé Cao Mỹ A. (22 tháng tuổi, Hà Nội) vào nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bé ngã từ cầu thang xuống đất. Ngay khi vào viện, tình trạng của bé đã nặng bác sĩ phải cho bé hồi sức tích cực ngay, thở máy kết hợp với các biện pháp cấp cứu ngoại khoa khác.
Cầu thang được xem là nơi nguy hiểm cho trẻ. Nhiều trẻ lại có sở thích leo trèo, trườn bò ở cầu thang, thích thú khi chạy nhảy, nô đùa ở cầu thang.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và di chứng tàn phế cho trẻ. Đa số tai nạn thương tích đều xảy ra ở nhà. Mỗi năm ước tính có khoảng 8.000 trẻ em bị tai nạn thương tích. Nhiều trẻ tử vong và di chứng tới suốt đời.
TS BS Nguyễn Huy Luân – Trưởng đơn vị tiêm chủng, nhi khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết trẻ nhỏ té ngã thường do hai nguyên nhân chính:
Bé nhỏ dưới 3 tuổi thường do trẻ mới tập đi, leo trèo do đi chưa vững, kiểm soát cân bằng chưa tốt dẫn tới trẻ té ngã.
Trẻ lớn hơn té ngã trong khi đi cầu thang hoặc trẻ xô đẩy nhau khi đi cầu thang. TS Luân cho biết nhà trọ có gác xép, cầu thang bé, dốc, trẻ trèo lên có thể té ngã, trẻ lọt qua song ngang chắn ở cầu thang.
Theo TS Luân, các chấn thương té ngã ở cầu thang rất đa dạng từ xước da, bầm tím, trật khớp, gãy chân tay, nặng nữa là chấn thương phần mềm, nội tạng, chấn thương sọ não. Đặc biệt là chấn thương sọ não vô cùng nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong hoặc di chứng suốt đời cho trẻ.
Khi trẻ bị té ngã tùy vào vị trí trẻ có các biểu hiện khác nhau. Nhẹ nhất trẻ bị sang chấn mô mềm, sưng đau vùng ngã. Nặng trẻ bị gãy xương tùy vào vị trí va chạm gãy xương ở vùng đó. Trẻ bị ngã thẳng xuống có thể gây chấn thương đầu, thay đổi tri giác.
Trẻ có thể kích thích, vật vã, lơ mơ, hôn mê, trẻ khó thở, sốc, nặng có thể tử vong.
Để tránh nguy cơ té ngã cầu thang ở trẻ nhỏ, cha mẹ nên giám sát trẻ, không nên cho trẻ chạy nô đùa ở cầu thang.
Tập cho trẻ cách đi lên, xuống cầu thang cho đúng. Khi thiết kế làm nhà, cần thiết kế cầu thang phù hợp, tránh quá dốc, song chắn lan can cầu thang thiết kế theo đúng tiêu chuẩn.
TS Luân cho biết với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có thể thiết kế thêm thanh chắn cầu thang, các song lan can cầu thang không nên để quá rộng trẻ có thể chui qua.
Cầu thang cần đảm bảo khô khan, sạch sẽ không nên để nước, các vật dụng dễ trơn trượt ở cầu thang, lối lên xuống cầu thang.
Các phụ huynh cần giáo dục trẻ những tai nạn có thể gặp phải khi trẻ đi lại ở cầu thang. Những trường hợp trẻ bị té ngã cầu thang nếu trẻ tỉnh táo không có dấu hiệu lạ trẻ có thể theo dõi tại nhà, theo dõi trong 36 giờ, 2 tiếng kiểm tra trẻ một lần.
Với trẻ có biểu hiện đau đầu, nôn ói cần cho trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được khám và thăm khám cụ thể, tránh nguy cơ biến chứng sau nguy hiểm cho trẻ.
Các gia đình khi làm nhà cần tham khảo, thiết kế ngôi nhà an toàn cho trẻ để giảm tai nạn thương tích cho trẻ, đảm bảo ngôi nhà an toàn, hạnh phúc với trẻ em.
K.Chi