Cấu tạo tàu ngầm Kilo của Việt Nam
Tất cả các tàu ngầm được xây dựng trên cùng một nguyên tắc, đó là quả dưa chuột bằng thép. Thiết kế của tàu ngầm Kilo cũng không nằm ngoài nguyên tắc này.
Để hiểu rõ hơn về sức mạnh của "hố đen đại dương" sẽ đảm nhận nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vinh quang là góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi xin giới thiệu những chi tiết cơ bản trong cấu tạo của tàu ngầm nói chung và tàu ngầm Kilo nói riêng.
Tất cả các tàu ngầm được xây dựng trên cùng một nguyên tắc, đó là quả dưa chuột bằng thép (người Mỹ gọi là điếu xì-gà), được phân chia thành các khoang bởi các vách ngăn dọc theo boong tàu. Các vách ngăn có các cửa vách ngăn để kết nối các khoang với nhau.
Mô hình tàu ngầm Kilo với các ngăn bên trong. |
Phần mũi thường được bố trí trong một khoang chứa ngư lôi, thủy lôi, mìn và tất nhiên là chúng ta sẽ không thể ra vào bằng cửa khoang này trừ một vài trường hợp đặc biệt. Ở giữa, thường là khoang trung tâm nơi đặt hệ thống điều khiển và là trung tâm chỉ huy của tàu ngầm. Phía sau, tùy vào ý tưởng thiết kế, có thể có nhiều ngăn bố trí hệ thống động cơ, nguồn điện, khoang thoát hiểm...của tàu ngầm.
Tất cả các khoang của tàu ngầm đều có nhiệm vụ, số hiệu và tên gọi riêng. Tàu ngầm có thể có 6, 7 hoặc thậm chí 8 khoang tùy theo thiết kế. Ở mỗi phần của con tàu (phía mũi, trung tâm và phía sau) đều có một khoang được bố trí cửa thoát hiểm ở phía trên. Đây là nơi các thủy thủ tập trung lại để thoát ra khỏi tàu ngầm trong trường hợp tàu ngầm gặp tai nạn. Các khoang này đều được trang bị các bộ máy thở, bộ đồ lặn và .... quần lót chì; nước uống và thực phẩm dự phòng.
Sơ đồ các bộ phận chính của tàu ngầm Kilo |
Không nằm ngoài kết cấu này, tàu ngầm Kilo được thiết kế chia thành nhiều khoang kín nước nhằm tăng khả năng sống sót. Khoang vũ khí của tàu ngầm Kilo có thể chứa 12 quả ngư lôi, 4 tên lửa 3M-54E hoặc 24 mìn chống ngầm.
Vây lái giúp tàu cân bằng khi di chuyển dưới nước, khi tàu đi nổi, các vây lái này có thể gập lại. 2 cửa thoát hiểm phía trước và phía sau là nơi kết nối với các thiết bị cứu hộ khi tàu bị chìm như chuông cứu hộ, tàu ngầm cứu hộ...
Phao phát tín hiệu khẩn cấp được sử dụng khi tàu bị chìm, khi đó tàu sẽ thả phao cứu hộ nổi lên mặt nước, trên phao được sơn 2 màu đỏ, trắng cùng với đèn phát tín hiệu giúp xác định vị trí chính xác khi tàu chìm (phao được kết nối với tàu thông qua dây dẫn), ngoài ra phao này còn như là một ăng-ten liên lạc của tàu.
Theo Trí thức trẻ