Câu đố Tiếng Việt: Vì sao lại gọi là CHIM CHÓC, CHÓ MÁ?
Nếu như trong từ 'chim chuột', với từ 'chuột' ta đã biết nghĩa thì từ 'chim chóc, chó má' lại khiến nhiều người ngơ ngác, không rõ 'chóc' là gì? 'Má' là gì?
Chim và chó là 2 loài động vật vô cùng quen thuộc với con người. Chúng đã đi vào văn hóa, xuất hiện trong những câu chuyên dân gian hay trở thành những từ ghép để mô tả sự vật, sự việc, để bày tỏ cảm xúc. Chẳng hạn ta có từ ghép "chim chuột" là từ chỉ "đôi trai gãi ve vãn nhau". Hay có một số từ ghép khác liên quan đến hai loài động vật này như "chim chóc, chó má".
Nếu như trong từ "chim chuột", với từ "chuột" ta đã biết nghĩa thì từ "chim chóc, chó má" lại khiến nhiều người ngơ ngác, không rõ "chóc" là gì? "Má" là gì?
Khi mới nghe "chim chóc", nhiều người còn tưởng đây là từ láy bởi "chim" và "chóc" cùng có phụ âm "ch", Tuy nhiên, từ "chóc" thực chất là một từ có nghĩa! Theo đó, từ "chóc" trong tiếng Tày - Thái có nghĩa là "chim". Và từ "chim chóc" là từ ghép được tạo nên bằng cách ghép một từ thuần Việt và một từ gốc Tày - Thái.
Còn từ "chó má" thường được dùng khi mắng chửi, khinh bỉ ai. Và hóa ra từ "má" cũng xuất phát từ tiếng Tày - Thái. Theo Phan Khôi: "Người Tày gọi con chó là "tu ma", cái thành từ "chó má" của ta, tiếng "má" ấy có lẽ bởi tiếng "ma" của Tày này mà ra; có một số danh từ của Tày giống của ta lắm"; còn nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy lại cho rằng: "má" gốc tiếng Thái cùng có nghĩa là "chó" (dẫn theo Việt ngữ tinh hoa từ điển của Long Điền - NXB Hoa Tiên - 1952).
Được biết ngoài những từ trên, Tiếng Việt còn có nhiều từ ghép khác, được tạo nên từ một từ thuần Việt và một từ gốc Tày - Thái có nghĩa tương tự. Chẳng hạn như các từ: tre pheo, chân thật,... Trong đó pheo là tre, thật là chân. Cũng ghép như vậy với tiếng Mường để có các từ ghép: cá mú, nắng nôi,...
Câu đố tiếng Việt: “Con cà con kê” là con gì? Ai cũng nghĩ là CON GÀ nhưng đáp án thú vị hơn nhiều
'Con cà, con kê' là chuyện lan man, dông dài, không theo chủ đề nào. Nhưng cà hay kê là con gì?
Theo Phụ nữ Việt Nam