Câu chuyện của chung cư
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trong khi Hà Nội có gần 700 chung cư thì TP.HCM có hơn 1.200 chung cư với cả hàng triệu người dân sinh sống. Với đủ thành phần nghề nghiệp, quê quán khác nhau, với những khác biệt trong văn hóa ứng xử, các khu chung cư cao tầng giống một ngôi làng thu nhỏ, nhưng cơ cấu dân số phong phú hơn rất nhiều.
Cũng từ đây phát sinh ra những mâu thuẫn từ những chuyện tưởng chừng như vô cùng nhỏ nhặt do nhiều người hoặc là vẫn bê nguyên văn hóa "làng xã" vào áp dụng tại chung cư hoặc là có những đòi hỏi quá đáng với chủ đầu tư, nhà quản lý…, dẫn đến khó khăn trong cả cách thức quản lý vận hành tòa nhà lẫn mục tiêu xây dựng nếp sống mới hiện đại ở các chung cư cao tầng.
Tại khu vực chờ đi thang máy một khu chung cư ở gần Giải Phóng, một người phụ nữ bồng con nhỏ nói: "Bấm đi con", đứa trẻ nghe lời mẹ bấm liên tiếp nhiều số trong thang máy. Nhiều người đi chung thang máy nóng ruột khi thang máy cứ mở ra, đóng lại nhiều tầng. Nhận được lời phàn nàn, người phụ nữ này còn nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu.
Tại một chung cư khác ở khu vực Mỹ Đình, một người đang chuẩn bị đi làm, quần áo gọn gàng bỗng một bịch ni lông rơi ngay trước mặt, rác thải trong túi vỡ ra bắn đầy người. Cũng chính tại chung cư này, nhiều lần bát, đũa thậm chí chai bia, dao, kéo bỗng dưng từ đâu bay thẳng xuống cả khu vui chơi dành cho trẻ em.
Hiện tượng trên không chỉ xuất hiện ở các chung cư bình dân, mà còn diễn ra ở nhiều chung cư cao cấp. Những hình ảnh nhếch nhác như xả rác trong thang máy, gây tiếng ồn, gây mất vệ sinh trong khu vực sử dụng chung, gây ảnh hưởng tới người xung quanh thường xuyên diễn ra…
Mâu thuẫn kéo dài, cả hai đều thiệt
Bên cạnh vấn đề về văn hóa sống, thời gian vừa qua ghi nhận hàng loạt tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư, ban quản lý bùng nổ tại rất nhiều chung cư. Thông thường, công luận có “thói quen” quy lỗi thuộc về các chủ đầu tư trong các vụ tranh chấp. Trong nhiều trường hợp, điều này là không sai khi nguyên nhân ban đầu là những khúc mắc chưa được giải quyết thỏa đáng, kịp thời. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, có những vụ việc mà một nhóm nhỏ cư dân quyết “đấu tranh” tới cùng mà không hiểu rằng khi tranh chấp kéo dài thì bản thân cư dân cũng là người thiệt thòi khi căn hộ mất giá, không gian sống thiếu thanh bình…
Theo KTS. Nguyễn Hồng Thục, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, sự khác biệt về phong cách sống, sự khác biệt tư duy nhận thức về cùng một vấn đề giữa các chủ thể là chủ đầu tư, đơn vị quản lý và người dân sinh sống dẫn đến những va vấp không thể tìm được tiếng nói chung và thành các mâu thuẫn lớn hơn.
Bên cạnh đó, theo bà Thục, tại các chung cư cao tầng cũng xảy ra một vấn đề có thể gọi là khủng hoảng môi trường sống. Trong đó, xuất hiện những sự va đập xã hội, va đập văn hóa khi người mua thuộc nhiều thành phần, làm ở nhiều công việc khác nhau với văn hóa sống và cách ứng xử khác nhau, chưa thích nghi ngay được lối sống quy củ tại các chung cư cao tầng tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Đặng Xuân Tâm, Tổng giám đốc HD Mon Real Estate cho rằng, xây dựng văn hóa sống tại chung cư còn khó hơn xây dựng một khu chung cư. Bởi dù có chữ “chung”, nhưng mỗi người ở chung cư lại là cá thể độc lập, suy nghĩ độc lập. Để dung hòa mỗi suy nghĩ độc lập thành thói quen “mình vì mọi người” của không gian sống chung là một quá trình dài, đòi hỏi trước tiên ở nỗ lực rất lớn từ chủ đầu tư, nhà phát triển và đơn vị quản lý. Nhưng sau đó cũng là sự nhìn nhận đúng đắn của chính cư dân bởi họ là hạt nhân trong đó, cuộc sống của họ gắn với chung cư đó, và nếu có văn hóa sống tốt, chính họ và gia đình họ sẽ được thừa hưởng cái đó.
"Thực tế, ban đầu về với nhau rất dễ có những va vấp giữa chủ đầu tư với cư dân cũng như giữa các cư dân với nhau, cũng có khiếu kiện, cũng có đấu tranh, nhưng khi cùng nghĩ về một hướng đó là văn hóa chung cư thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết thấu đáo", ông Tâm nhấn mạnh và cho biết ngay chính dự án Mon City thời gian vừa qua cũng từng đối mặt với những va vấp như vậy. Cũng có căng thẳng, cũng có bức xúc nhưng khi cách giải quyết được HD Mon đưa ra một cách hợp tình hợp lý thì đa phần người dân đều ủng hộ.
Đối với câu chuyện cụ thể tại Khu đô thị Mon City, khởi đầu từ khiếu nại của người dân về cách đo diện tích logia, một vấn đề chưa được quy định rõ ràng trong luật nhà ở, chủ đầu tư đã đưa ra phương án đo lại toàn bộ diện tích căn hộ theo cách có lợi cho người dân và chấp thuận trả tiền đối với diện tích dôi ra sau khi đo theo phương án mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 732 chủ căn hộ đăng ký đo lại diện tích, chiếm khoảng hơn 80% tổng số căn hộ tại dự án. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đã hoàn thành thanh toán tiền cho phần diện tích dôi dư của 568 căn hộ với số tiền trên 13 tỷ đồng.
Ghi nhận thực tế thị trường, Mon City là một trong số ít dự án mà sau khi phát sinh mâu thuẫn, chủ đầu tư đã đưa ra được phương án thỏa thuận thực chất với cư dân và có giải pháp tức thời trên thực tế. Vấn đề còn lại ở dự án này là chủ đầu tư và cư dân nhanh chóng phối hợp và hoàn thành việc đo đạc, chi trả quyền lợi cho cư dân, tránh để dây dưa kéo dài. Bởi rất có thể sự dây dưa này sẽ làm phát sinh mâu thuẫn ngay chính giữa các cư dân với nhau khi đa số người dân nhận thấy không gian sống của mình bị một số người khác làm ảnh hưởng tiêu cực.