Cảnh sát biển Việt Nam sẽ đóng tàu tuần tra cỡ lớn 4.000 tấn?
Cảnh sát biển Việt Nam cần tàu tuần tra lớn hơn DN 2000
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn hàng hải, bảo đảm việc chấp hành pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và điều ước có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước ta.
Tàu CSB 8002, một trong hai tàu lớn và hiện đại nhất hiện nay của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. |
Nhằm tăng cường khả năng hoạt động trên biển, trong những năm qua, Cảnh sát biển Việt Nam đang được đầu tư đóng mới và tiếp nhận nhiều loại tàu tuần tra, cứu hộ cứu nạn hiện đại.
Trong đó có thể kể đến: tàu tuần tra cao tốc TT-400 (bao gồm 4 tàu mang số hiệu từ 4031 - 4034 và hiện đang đóng thêm 5 tàu), tàu tuần tra xa bờ, cứu hộ, cứu nạn DN 2000 (gồm 2 tàu 8001, 8002 và hiện đang đóng thêm 2 tàu).
Ngoài ra còn cả tàu kéo cứu hộ hiện đại do Tập đoàn Damen thiết kế (gồm 4 tàu mang số hiệu từ 9001 - 9004) và tiếp nhận tàu Cảnh sát biển 8003...
Tương lai gần, đến khi các dự án đóng tàu hoàn thành thì Cảnh sát biển Việt Nam sẽ có quy mô thuộc hàng lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, với các tàu cỡ lớn như 8001 và 8002 thì khả năng hoạt động xa bờ hay trong điều kiện thời tiết xấu sẽ được tăng cường, đảm bảo thời gian hiện diện trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam dài ngày hơn.
Tuy nhiên, khi xét đến tương quan các lực lượng thi hành pháp luật đang hoạt động trên biển Đông cũng như qua các sự kiện gần đây.
Đặc biệt, với việc Trung Quốc tăng cường số lượng tàu hải cảnh cũng như hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vào năm ngoái thì yêu cầu đóng thêm tàu tuần tra có lượng giãn nước lớn hơn DN 2000 là cần thiết.
Tàu DN 2000 có chiều dài 90,5 m; rộng 14 m; lượng giãn nước 2.200 tấn, mặc dù là lớn nhất trong đội tàu của Cảnh sát biển Việt Nam, nhưng khi so sánh với các nước khác thì đây chưa phải là lớp tàu tuần tra cỡ lớn.
Đặc biệt khi lực lượng tuần duyên nhiều quốc gia đã sở hữu những tàu có lượng giãn nước trên 4.000 tấn, hoặc thậm chí là 7.000 tấn (lớp Shikishima của Nhật Bản) hay lên đến 10.000 tấn (2 tàu hải cảnh lớn nhất thế giới mà Trung Quốc đang đóng).
Việc đóng thêm tàu cảnh sát biển lớn hơn không phải để chạy đua kích thước mà nhằm đảm bảo hoạt động khi phải quản lý nhiều vùng biển đảo xa bờ như 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong điều kiện thời tiết phức tạp.
Hình ảnh mẫu tàu tuần tra mới xuất hiện trên tấm backdrop. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam sẽ đóng mới tàu tuần tra 4.000 tấn?
Trong Hội nghị Tổng kết công tác Cảnh sát biển năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác kỹ thuật năm 2015 được tổ chức vào ngày 21/1/2015, mẫu tàu tuần tra cỡ lớn mới cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã được hé lộ.
Cụ thể, trên tấm backdrop xuất hiện ảnh đồ họa một con tàu cỡ lớn được sơn màu trắng cùng dòng chữ "VIETNAM COAST GUARD".
Trước đây, ở các hội nghị cũng như sự kiện của Cảnh sát biển Việt Nam thì tấm backdrop thường in hình ảnh những tàu mà lực lượng đang có hoặc sắp được biên chế (như trường hợp tàu DN2000).
Do vậy chiếc tàu trên rất có thể chính là mẫu tàu tuần tra cỡ lớn tương lai của Cảnh sát biển Việt Nam.
Vì mới xuất hiện ảnh đồ họa nên chưa có thông số kỹ thuật cụ thể, nhưng có thể thấy rằng mẫu tàu này lớn hơn hẳn so với DN 2000. Chiều dài của tàu có thể lên đến 120 m, chiều rộng khoảng 16 m, lượng giãn nước lên tới 4.000 tấn.
Con tàu được trang bị sàn đáp trực thăng có diện tích lớn cùng nhà chứa cho máy bay giúp bảo đảm hoạt động xa bờ cho trực thăng khi đi kèm, nhất là khi sắp tới Cảnh sát biển cũng sẽ sở hữu trực thăng của riêng mình.
Như vậy, nếu được đóng và đưa vào trang bị thì mẫu tàu nói trên sẽ giúp tăng cường khả năng hoạt động xa bờ của Cảnh sát biển Việt Nam, sánh ngang nhiều lực lượng tuần duyên của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Theo Đại Lộ
Tựa bài do Infonet đặt lại