Cảnh giác cơn khó thở có thể ngừng tuần hoàn
Bệnh nhân được cấp cứu sức khoẻ ổn định |
Bệnh nhân Đ.Q.T, nam giới, 51 tuổi, địa chỉ ở Mê Linh - Hà Nội, được Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên chuyển tới Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai lúc 17 giờ 35 phút ngày 20 tháng 4 năm 2017 với chẩn đoán “Hôn mê sau ngừng tuần hoàn do cơn hen phế quản nguy kịch”. Bệnh nhân có tiền sử bệnh hen phế quản.
Trước khi vào viện khoảng vài ngày, bệnh nhân xuất hiện những cơn khó thở, phải tăng dần liều thuốc giãn phế quản đường hít mỗi ngày nhưng không đỡ. Khoảng 15 giờ ngày 20 tháng 4 năm 2017, bệnh nhân xuất hiện cơn khó thở dữ dội, tím tái rất nhanh và sau đó đi vào hôn mê. Ngay lập tức, bệnh nhân được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu, thời gian tới được bệnh viện mất khoảng 10 đến 15 phút.
Khi tới khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên, các bác sĩ khám thấy bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn (hôn mê, tím toàn thân, ngừng thở, mạch bẹn mất). Ngay lập tức ê-kíp trực cấp cứu do bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn phụ trách đã nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân (bóp bóng Ambu qua mask với dòng oxy lên tới 15 lít/phút, ép tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenalin tĩnh mạch và sốc điện tới 12 lần vì những cơn rung thất).
Sau khoảng 15 phút cấp cứu, tuần hoàn của bệnh nhân đã được tái lập (có nhịp tự thở, mạch bẹn rõ, hình ảnh điện tâm đồ trên monitor là nhịp xoang nhanh), bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và thở máy. Khoảng 1 giờ sau khi cấp cứu thành công, tình trạng của bệnh nhân ổn định hơn, bệnh nhân được lien hệ chuyển tới Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân được chuyển tới Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch mai lúc 17 giờ 35 phút cùng ngày trong tình trạng hôn mê sâu (GCS 7 điểm), đang được bóp bong qua ống nội khí quản, mạch nhanh (120 lần/phút), huyết áp ổn định (130/90 mmHg, đang được duy trì bằng truyền adrenalin đường tĩnh mạch qua bơm tiêm điện), đồng tử hai bên giãn 4 mm nhưng còn phản xạ với ánh sáng, lồng ngực căng phồng, nghe có rất nhiều ran rít.
Các bác sĩ trực cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành kiểm soát nhiệt độ mục tiêu và cấp cứu cho bệnh nhân.
Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể các bác sĩ và điều dưỡng (Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai), đến ngày điều trị thứ 6, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện một cách ngoạn mục (hoàn toàn tỉnh táo, được thôi thở máy và rút ống nội khí quản). Vào ngày điều trị thứ 8, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên để điều trị tiếp.
Cơn hen phế quản là một đợt ho, khò khè, khó thở hay đau tức ngực hoặc kết hợp các biểu hiện này, xuất hiện đột ngột hoặc xảy ra sau một yếu tố kích thích. Cơn hen phế quản thường xảy ra vào ban đêm hoặc khi bệnh nhân gặp các yếu tố kích thích (các yếu tố khởi phát hen). Hầu hết các cơn hen phế quản xảy ra ngắn. Nhưng cơn hen phế quản nặng không xử trí kịp thời có thể gây tử vong.