Căng thẳng Iran - Arab Saudi: “Đòn đau” với Mỹ?
Biểu tình phản đối Arab Saudi tại Iran |
Căng thẳng ngoại giao giữa Arab Saudi và Iran bùng phát sau khi Arab Saudi xử tử giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, người bị Arab Saudi buộc tội đóng vai trò chủ chốt trong làn sóng biểu tình bùng phát ở miền Đông Arab Saudi năm 2011. Những vụ bạo loạn gần các cơ quan đại diện ngoại giao của Arab Saudi ở Iran đã khiến el-Riyadh đi đến quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với Iran.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích chính trị Simon Henderson thuộc tạp chí phân tích Christian Science Monitor, căng thẳng Iran-Arab Saudi sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến hai mục đích chiến lược của Mỹ tại Trung Đông: Giải quyết cuộc khủng hoảng đã kéo dài 5 năm qua tại Syria và thúc đẩy thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran.
“Chính quyền ông Obama đã luôn cố gắng giảm dần sự tham gia của mình vào các vấn đề Trung Đông và chuyển sự chú ý của mình đến các hướng khác. Quan điểm này đã dẫn đến kết quả: căng thẳng giữa hai đối thủ địa chính trị hàng đầu khu vực đang đe dọa nghiêm trọng đến các lợi ích của Mỹ” - Simon Henderson nhận định.
Chiến lược thúc đẩy thực hiện thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran của Mỹ khiến Arab Saudi cho rằng điều này đang thúc đẩy Iran “làm ngơ” trước các vụ tấn công vào các cơ quan ngoại giao nước này tại Iran.
“Do đó Arab Saudi đang cho rằng ảnh hưởng của Iran trong khu vực đang gia tăng và Arab Saudi phải hành động một cách độc lập chứ không thể trông chờ vào Mỹ để giải quyết vấn đề này”- Simon Henderson bình luận.
Còn theo chuyên gia chuyên về Trung Đông James Phillips thuộc Quỹ Heritage, việc Mỹ dự định rút dần khỏi Trung Đông khiến căng thẳng giữa Hồi giáo dòng Sunni (Arab Saudi) và Hồi giáo dòng Shiite (Iran) sẽ ngày càng gia tăng. Chính sách thúc đẩy thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ sẽ giúp cho Iran gia tăng được ảnh hưởng và ngược lại, ảnh hưởng của Arab Saudi sẽ bị suy giảm.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới. Ngày 9/12/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập tờ Tiếng nói nước Nga và RIA Novosti thành Rossiya Segodnya (hãng tin tức quốc tế Russia Today (RT)).