Cần nâng cao vai trò của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111
Tại hội nghị của Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) mới đây, trong số các đề xuất của các đại biểu có những ý kiến của báo giới cho rằng, cần nâng cao vai trò của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, trong bối cảnh các nguy cơ đối với trẻ em trên không gian mạng ngày càng gia tăng.
Theo thống kê của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ liên quan đến không gian mạng tăng trong thời gian gần đây, nhất là năm 2021 và 2022 này. Cụ thể, năm 2021 có 422 cuộc gọi, trong 7 tháng đầu năm 2022 có 268 cuộc gọi với 3 nhóm vấn đề lớn liên quan đến tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng (31%); nhóm vấn đề về cách sử dụng Internet an toàn (chiếm 31,3%); nhóm vấn đề tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm trên mạng (chiếm trên 7%).
Nếu tính riêng năm 2021, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 507.861 cuộc gọi đến, tiếp nhận 1.651 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo của tổng đài. Tổng đài đã tư vấn 35.385 ca (tăng 5.878 ca so với năm 2020); hỗ trợ, can thiệp 1.257 ca (gồm 1.033 ca tiếp nhận qua điện thoại, 194 ca thông tin từ báo chí, mạng xã hội; 09 ca qua đường công văn; 21 ca người dân gửi đơn thư tới).
Đáng chú ý, cũng tại hội nghị này, ngoài tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ em thì các cơ quan truyền thông cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đồng tình với vấn đề này, đại diện Cục Báo chí cho biết, chỉ riêng 11 tháng đầu năm 2022, các cơ quan báo chí đã có 145.130 tin bài phản ánh liên quan đến trẻ em, có ngày nhiều nhất lên tới 1.186 tin bài (ngày 1/6/2022).
Thực tế, trong bối cảnh thanh lọc môi trường Internet, kiểm soát nội dung không phù hợp với trẻ em là nội dung cần xử lý quá lớn và cần sự chung tay của nhiều cơ quan, trong đó Tổng đài 111 hay sự vào cuộc nhanh chóng của báo chí sẽ có tiếng nói quan trọng. Hãy thử hình dung, mỗi phút có hơn 500 giờ video nội dung mới được tải lên YouTube, tính trung bình mỗi clip 5 phút thì tương đương khoảng 6.000 clip được tải lên 1 phút.
Trong khi đó, lượng clip đăng trên TikTok còn lớn gấp nhiều lần. Chỉ cần một trào lưu trên TikTok có thể sinh ra hàng tỷ clip được đăng tải trong thời gian ngắn và các nội dung được đăng tải trên Facebook, Instagram ăn theo… cũng vô cùng lớn, không thể kiểm soát, thanh lọc thủ công. Do đó, khi xuất hiện các clip xấu/độc, người dùng nhất là trẻ em cần những địa chỉ để gọi tới và Tổng đài 111 hay các đường dây nóng báo chí là những địa chỉ rất hữu ích.
Nam Phương