Căn bệnh ung thư "tai quái" chỉ có ở nam giới
Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh phổ biến ở nam giới, đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Trước kia, bệnh thường gặp ở độ tuổi trên 65 nhưng càng ngày ung thư tuyến tiền liệt càng được phát hiện ở độ tuổi sớm hơn.
Ông V.Ch. (70 tuổi, trú tại Hà Nội) được con trai đưa vào viện khám bệnh vì lý do tiểu khó, đi tiểu ra máu. 5 năm trước khi được chẩn đoán u tuyến tiền liệt ông đã chọn điều trị bằng thuốc nam.
Qua các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ phát hiện hình ảnh viêm bàng quang mạn tính, không thấy tổn thương u trong bàng quang. Giải phẫu bệnh tại bệnh viện tỉnh cho thấy ung thư biểu mô tiền liệt tuyến.
Kết quả xạ hình xương cho thấy có tăng hoạt độ phóng xạ tại vùng xương cùng cụt. Kết quả cắt lớp vi tính lồng ngực có hình ảnh xơ hóa phổi, chưa phát hiện tổn thương di căn.
Theo GS. Mai Trọng Khoa – nguyên Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Ch. được chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn IV, có di căn hạch.
Đến thời điểm hiện tại sau 3 tháng điều trị, bệnh đáp ứng một phần: Bệnh nhân không còn triệu chứng lâm sàng, thể trạng tốt, chất chỉ điểm khối u giảm. Bệnh nhân được tiếp tục duy trì phác đồ điều trị và theo dõi thường xuyên.
Giải thích về phương pháp cấy hạt phóng xạ, GS. Mai Trọng Khoa cho biết, đây là phương pháp xạ trị đưa các hạt phóng xạ I-125 kích thước nhỏ 4,5x0,8mm phát tia gamma năng lượng thấp (35 keV), vào trong tổ chức khối u, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ mà không hoặc ảnh hưởng rất ít tới mô lành xung quanh. Bức xạ gamma mềm của I-125 chỉ phát huy hiệu quả điều trị trong phạm vi vài milimet (mm) của các mô bệnh.Theo GS. Mai Trọng Khoa, ung thư tiền liệt tuyến là loại ung thư có xu hướng mắc tăng, bệnh có thể phát hiện sớm qua khám bệnh định kỳ.
Điều trị ung thư tiền liệt tuyến có nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị... Trong công trình nghiên cứu của GS. Mai Trọng Khoa và cộng sự đạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 thì bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến có thể điều trị bằng phương pháp cấy hạt phóng xạ.
Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là tạo ra liều hấp thụ bức xạ cao tại khối u, trong khi cơ quan và tế bào lành chỉ phải chịu liều bức xạ rất thấp.
Các hạt phóng xạ có thời gian bán rã không quá ngắn và không quá dài (chẳng hạn với I-125 là 60 ngày) nên có thể để lại các hạt phóng xạ trong lòng tuyến tiền liệt mà không cần lấy ra sau khi cấy hạt phóng xạ vào.
Dưới hướng dẫn của hình ảnh siêu âm, các kim chứa hạt phóng xạ này sẽ được đâm xuyên qua da ở vùng tầng sinh môn để đưa thẳng vào trong lòng của tuyến tiền liệt. Các hạt I-125 sẽ được lưu lại trong lòng tuyến tiền liệt sau khi kim được rút ra.
Ưu điểm của phương pháp cấy hạt phóng xạ là kiểm soát u tại chỗ cao, thời gian và liệu trình điều trị ngắn, ít biến chứng, chức năng sinh lý của nam giới ít hoặc không bị ảnh hưởng (liệt dương), tăng chất lượng cuộc sống.
Cấy hạt phóng xạ là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, tăng thời gian sống, tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm.