Căn bệnh phổ biến ở bé trai, nguy cơ ảnh hưởng sinh lý, khả năng sinh sản cực cao
Tràn dịch màng tinh hoàn là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ trai, bệnh lành tính, tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng sinh lý và khả năng sinh sản ở nam giới.
Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội vừa tiếp nhận một bệnh nhi được mẹ đưa đến gặp bác sĩ nam khoa. Lý do bà mẹ trẻ đưa con 2 tuổi đi viện là phát hiện vùng bìu phải của trẻ to hơn so với bên đối diện. Khối xuất hiện 6 tháng nay, khối lúc to, lúc nhỏ, đặc biệt mỗi lần trẻ ốm sốt thì khối to rõ hơn.
Qua thăm khám lâm sàng và quan sát hình ảnh trên siêu âm bác sỹ phát hiện bệnh nhân bị tràn dịch màng tinh hoàn bên phải. Bệnh lý tràn dịch màng tinh hoàn hay còn gọi là thủy tinh mạc – là một thuật ngữ đề cập đến tình trạng tích tụ dịch tại màng bao quanh tinh hoàn, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn.
Tràn dịch màng tinh hoàn là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ trai chiếm tỷ lệ 3 - 5% ở trẻ đủ tháng, tăng lên gấp 3 lần ở trẻ sinh non. Đặc biệt trẻ sinh non dưới 30 tuần, thiếu cân < 1.500g thì tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với trẻ đủ tháng.
Các bác sĩ cho biết, khối tràn dịch với số lượng nhỏ thường không gây biến chứng gì, trẻ vẫn chơi, nhảy, ăn uống được bình thường. Tuy nhiên, khi khối dịch tụ số lượng lớn có thể gây đau tức, trẻ khó chịu, quấy khóc.
Ảnh minh hoạ |
Khối dịch tụ lớn có thể khiến lưu lượng máu xuống tinh hoàn bị giảm đi và dẫn đến teo tinh hoàn, gây ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh lý cũng như khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai.
Theo đó, nguy cơ tiến triển thành bệnh lý thoát vị bẹn, nếu không được xử trí sớm sẽ gây chèn ép làm tắc nghẽn dòng máu đi xuống tinh hoàn và gây suy giảm chức năng tinh hoàn.
Đặc biệt, bệnh lý tràn dịch màng tinh hoàn có thể kèm theo tinh hoàn di động, làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn.
Làm rõ hơn về căn bệnh tưởng lành tính nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ này, TS. BS Nguyễn Đình Liên, Khoa Ngoại thận tiết niệu – Nam học, Bệnh viện E, cho biết, hầu hết tràn dịch màng tinh hoàn thường xảy ra ở người trưởng thành và phổ biến nhất ở nam giới trên 40 tuổi, tuy nhiên trẻ nhỏ cũng có thể mắc căn bệnh này.
Nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và khả năng sinh sản ở nam giới.
Nguyên nhân gây bệnh theo BS Liên không được biết rõ trong hầu hết các trường hợp. Một số người tràn dịch màng tinh hoàn là do có vấn đề về tinh hoàn như các nhiễm trùng, viêm nhiễm, chấn thương hoặc khối u của tinh hoàn có thể dẫn đến hình thành dịch trong màng tinh hoàn.
Một nguyên nhân hay gặp là do ký sinh trùng giun chỉ, sau mổ thoát vị bẹn, thắt giãn tĩnh mạch tinh.
Ở trẻ nhỏ với những trẻ bị tràn dịch màng tinh bẩm sinh, nguyên nhân xác định là do quá trình di chuyển tinh hoàn xuống bìu bị rối loạn. Khi đó khiến đường ống phúc tinh mạc không đóng kín, gây ứ dịch trong ổ bụng và màng tinh.
“Trẻ nhỏ bị tràn dịch màng tinh hoàn thường đi kèm với hiện tượng thoát vị vùng bẹn. Ngoài ra, nguyên nhân gây tràn dịch tinh mạc ở bé trai có khả năng bắt nguồn từ hiện tượng tràn dịch tinh hoàn ở thai nhi. Điều này có nghĩa là trẻ nhỏ đã bị bệnh từ trong thai kỳ, trước khi trẻ chào đời”, TS. BS Nguyễn Đình Liên thông tin.
Tràn dịch màng tinh hoàn thường không đau. Nếu nó lớn có thể gây khó chịu do kích thước. Đi bộ hoặc hoạt động tình dục có thể trở nên không thoải mái nếu tràn dịch màng tinh hoàn rất lớn.
Dấu hiệu gợi ý cho thấy có thể một hoặc cả 2 bên bìu to tăng dần, căng tức, không đau. Khi lượng dịch màng tinh hoàn lớn thì: Khó có thể sờ nắn được tinh hoàn, mào tinh. Không kẹp được màng tinh hoàn. Soi đèn vào bìu, phần dịch sáng hơn và phân biệt được với tinh hoàn, mào tinh có màu tối.
“Về điều trị trẻ nhỏ thì theo dõi, có thể tự khỏi. Đối với các trường hợp cần điều trị thì sử dụng phương pháp ngoại khoa là chủ yếu. Đối với trẻ sơ sinh và người tinh hoàn bị tràn dịch vô căn thường được theo dõi trong khoảng thời gian từ 6 -12 tháng trước khi can thiệp điều trị.
Trẻ bị tràn dịch tinh hoàn bẩm sinh hay nam giới bị tràn dịch vô căn thường không phải thực hiện điều trị cấp cứu. Với những trường hợp này, dịch ứ có thể biến mất trong khoảng 12 - 24 tháng đối với trẻ em. Và ở người trưởng thành, lượng dịch cũng có thể tự giảm dần”, TS. BS Nguyễn Đình Liên thông tin.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nếu dịch ứ xung quang tinh hoàn không tự biến mất, thì bệnh nhân cần phải đến viện để can thiệp kịp thời. Trong tình huống này bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định dẫn lưu dịch ra bên ngoài bằng những phương pháp như: Chọc hút lượng dịch trong màng tinh hoàn, sau đó lấy dịch đi làm xét nghiệm tế bào, PCR lao...
Phương pháp điều trị này giúp làm bìu của bệnh nhân xẹp rất nhanh, không phải mổ, thường áp dụng ở người lớn nhưng cũng có nguy cơ: Chọc vào tinh hoàn, chảy máu màng tinh hoàn, nhiễm trùng màng tinh hoàn gây ứ mủ màng tinh hoàn…
Cách chữa bệnh này khá đơn giản, tiến hành nhanh chóng và ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, hiện tượng tràn dịch tại tinh hoàn vẫn có khả năng tái phát sau đó nên hiệu quả của phương pháp chữa trị này không được đánh giá cao.
Giải pháp dẫn lưu lượng dịch trong màng tinh hoàn sẽ phù hợp đối với những nam giới không có đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn.
Người bệnh không mong muốn dùng kỹ thuật điều trị xâm lấn, còn lại các trường hợp sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật .
“Đối với trẻ nhỏ, áp dụng phương pháp phẫu thuật nếu túi dịch trong bìu quá lớn hay tình trạng bệnh không cải thiện dần theo thời gian. Hoặc trẻ nam được chẩn đoán là tràn dịch màng tinh hoàn thể còn ống phúc tinh mạc còn thông thương với ổ bụng, có thoát vị bẹn kèm theo; trên siêu âm đường kính ống cổ phúc tinh mạc lớn > 4mm”, TS. BS Nguyễn Đình Liên cho hay.
Để phát hiện và được điều trị kịp thời, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh, nam giới nếu phát hiện vùng kín bất thường cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể, điều trị thích hợp.
N. Huyền