Cấm vận Nga - Mỹ thiệt đơn thiệt kép
Trong khi Nga không thể hiện dấu hiệu lùi bước nào ở miền đông Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu “loay hoay” tìm kiếm các biện pháp phi quân sự để khiến Mátxcơva “trả giá”. Mỹ và EU đã tuyên bố áp đặt các lệnh cấm vận đối với những quan chức Nga liên quan trực tiếp tới vấn đề bán đảo Crimea nói riêng và Ukraine nói chung.
Các tay súng thân Nga tại thành phố Kramatorsk, miền đông Ukraine hôm 16/4. |
Hồi đầu tháng này, Thứ trưởng tài chính Mỹ David Cohen phát biểu:
“Ngày 20/3, Tổng thống (Barack Obama) đã kí quyết định mới nhất cho phép Bộ Tài chính với sự bàn bạc của Bộ Ngoại giao áp trừng phạt bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào quyết hợp tác với Nga về một số lĩnh vực mà Bộ Tài chính sẽ nêu cụ thể, trong đó có các ngành năng lượng, kim loại và khai thác mỏ”.
Ông Cohen cho rằng quyết định mới này sẽ là “một công cụ rất mạnh đồng thời rất linh hoạt cho phép chúng ta đáp trả nhanh chóng và có hiệu quả trước những chuyển biến của tình hình Ukraine”.
Tuy nhiên, theo ông Daniel McGroarty, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, mặc dù các lệnh cấm vận có vẻ “đầy quyền năng” nhưng nếu Mỹ áp đặt với Nga, công cụ này có thể sẽ “phản chủ”.
Theo ông McGroarty, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tài nguyên của Nga. Sự lệ thuộc rất lớn, lớn hơn so với nhận thức của các nhà lập pháp Mỹ và bất kỳ một hành động trừng phạt nào đối với ngành năng lượng, kim loại và khai thác mỏ của Nga cũng gây tổn hại cho chính nền kinh tế Mỹ.
Năm 2013, Mỹ mua từ Nga hơn 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày và Nga đang là nhà cung cấp lớn thứ 3 thế giới về 20 trên 72 kim loại trong danh sách của Lầu Năm Góc. Hiện Nga đang cung cấp 46 kim loại cho các nhà sản xuất Mỹ. Kim loại từ Nga đóng vai trò quan trọng đối với nền sản xuất và các ngành công nghệ Mỹ, bao gồm cả ngành sản xuất vũ khí tiên tiến.
Một sự lựa chọn nguồn tài nguyên khác cho Mỹ ngoài Nga là Trung Quốc. Nhưng liệu Bắc Kinh có sẵn lòng hợp tác với Mỹ về lĩnh vực này? Có vẻ điều đó sẽ không xảy ra.
Nga và Trung Quốc vừa kí kết một thỏa thuận lớn về khí tự nhiên và hai bên không sử dụng đồng đô la mà dùng đồng rúp cho giao dịch này. Hợp đồng đó sẽ khiến “dòng chảy” khí tự nhiên của Nga chuyển hướng từ châu Âu sang Trung Quốc và doanh số bán dầu mỏ của Nga cho Bắc Kinh tăng lên gấp ba. Có vẻ Trung Quốc đứng về phía Nga trong vấn đề Ukraine và Mỹ sẽ không thể dựa vào Bắc Kinh để trừng phạt Mátxcơva.
Mahdi Nazemroaya, nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa (CRG - Canada), nếu Mỹ áp đặt lệnh cấm vận với Nga, không quốc gia nào trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) bao gồm Trung Quốc sẽ tuân thủ các lệnh cấm vận này.
Mỹ có thể dùng chính các nguồn tài nguyên của nước này? Hiện nước Mỹ đang là quốc gia chậm trễ nhất trong việc cấp phép cho các hoạt động khai thác mỏ. Trung bình, phải mất từ 7 tới 10 năm để một mỏ ở Mỹ nhận được giấy phép và đi vào hoạt động.
Trong khi Mỹ ngày càng lệ thuộc Nga về các nguồn tài nguyên, tác giả Matthew Philips tên tờ Businessweek (hãng tin Bloomberg) cho rằng kim ngạch thương mại Mỹ - Nga quá nhỏ (40 tỷ USD) nên Washington khó có thể dùng “quân bài” kinh tế để “trừng phạt” Mátxcơva.
Philips cũng cho rằng Mỹ đang đợi EU hành động trước về việc trả đũa Nga.
Julianne Smith, một cựu quan chức Mỹ, nói : “Nếu chúng ta không huy động được sự hợp tác của châu Âu, các lệnh cấm vận sẽ không có tác dụng. Chúng ta sẽ không làm được gì nhiều nếu không có sự phối hợp của châu Âu”.
Tóm lại, nếu Mỹ thực thi các lệnh cấm vận trừng phạt nền kinh tế Nga, đặc biệt là các ngành tài nguyên, đó sẽ là hành động “tự bắn vào chân”.