Cảm động người bố luôn dõi theo con đi học từ lúc 5 giờ sáng ở khoảng cách 800 km
Sống cách nhau 800 km, người bố thể hiện tình cảm bằng cách luôn dõi theo hành trình đi học của con trai qua camera từ lúc 5 giờ sáng.
Ngày Lễ Tình nhân 14/2 cũng là ngày đầu tiên bắt đầu học kỳ mới tại các trường học ở Trung Quốc, cậu bé Xiao Teng (11 tuổi) với tên gọi là nhà là “Tiểu Teng” lại bắt đầu hành trình đi học từ lúc 5h sáng khi trời còn khá tối. Cậu bé phải đi bộ 4 km từ nhà để đón xe buýt tới trường. Hành trình đi bộ của cậu bé còn có sự đồng hành của 2 chú chó.
Nhưng điều ấm áp nhất chính là việc mọi hoạt động di chuyển của Xiao đều có sự dõi theo của người bố Chen Yao (39 tuổi), người đang sống cách con trai 800 km. Ông Chen luôn theo dõi hình ảnh camera từ xa để đảm bảo con trai ra khỏi nhà đúng giờ và kịp bắt xe buýt đi học. Khi bước ra khỏi cửa nhà, Xiao có thói quen nhìn lên chiếc camera và cậu biết rằng bố mình cũng đang nhìn con trai.
Người bố luôn dõi theo con trai đi học từ lúc 5 giờ sáng ở khoảng cách xa 800 km. (Ảnh: SCMP) |
“Chúng tôi không nói chuyện, nhưng chúng tôi hiểu nhau”, ông Chen nói sau khi đoạn video về hành trình đi học của Xiao được tiết lộ và nhanh chóng gây bão cộng đồng mạng Trung Quốc.
Xiao đang sống cùng với bà nội ở tỉnh Giang Tây, khu vực miền núi giáp với tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Hành trình tới ngôi trường của Xiao nằm ở một thị trấn của tỉnh Quảng Đông chia làm 3 chặng gồm 4 km đi bộ đón xe buýt, xe buýt vượt quãng đường 11 km và một chặng đường ngắn đi bộ tới trường. Trong khi đó, bố mẹ của Xiao là những lao động di cư đang sống và làm việc ở thành phố Thâm Quyến, cách xa con trai 800 km.
Khi tới trường, Xiao sẽ ở lại trong ký túc xá của trường từ thứ Hai tới thứ Sáu, sau đó trở về nhà vào chiều tối ngày thứ Sáu để sống với bà nội và các anh chị em.
“Ngôi trường nằm ở thị trấn kế bên ở tỉnh Giang Tây còn không thuận đường đi, và chất lượng giáo dục cũng kém hơn”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Chen.
Ông Chen tâm sự bản thân muốn đem các con đi theo để tiện chăm sóc và dạy dỗ, nhưng thực tế lại không cho phép.
“Chúng tôi không có hộ khẩu ở thành phố Thâm Quyến, do đó chúng tôi buộc phải đưa con về quê học. Bọn trẻ cũng đã quá quen với cuộc sống ở làng quê”, ông Chen giải thích.
Ông Chen, một tài xế lái xe thuê, thừa nhận ông chưa từng nghĩ việc chia sẻ video về hành trình đi học của Xiao lại thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng.
Đoạn video đã có hàng chục triệu lượt xem trên các nền tảng mạng. Nhiều người để lại bình luận ca ngợi cậu bé Xiao là người hiểu chuyện và biết cảm thông cho hoàn cảnh khiến họ xúc động rơi nước mắt.
“Tôi hy vọng những đứa trẻ trên thế giới sẽ không phải sống trong tình cảnh như vậy, bởi bọn trẻ cần được sống bên cạnh bố mẹ mình”, một bình luận trên Weibo viết.
Ông Chen cũng thường xuyên về quê thăm con hàng tháng. Để bày tỏ tình yêu thương với con, ông luôn kiểm tra hình ảnh camera để bù đắp việc mình không ở nhà.
"Cậu bé băng" từng khiến hàng triệu người dân Trung Quốc cảm phục vì quyết tâm đi học bất chấp khó khăn. (Ảnh: 163.com) |
Chặng đường đi học vất vả của Xiao khiến nhiều người liên tưởng tới “Cậu bé băng”, một nam sinh ở vùng quê nghèo khó, từng làm lay động trái tim hàng triệu người dân Trung Quốc về quyết tâm đi học dù tóc bị đóng băng do tuyết lạnh cùng đôi má ửng đỏ vì rét. Bức ảnh về "Cậu bé băng" còn phản ánh chân thực cuộc sống vất vả của những người nghèo khó ở Trung Quốc.
Gánh nặng kinh tế chính là lý do ông Chen giống như hàng triệu lao động di cư khác ở Trung Quốc, phải bỏ lại gia đình để tới các thành phố lớn làm việc với hy vọng có đủ nguồn thu nhập chu cấp cho người thân.
Ông Chen rời khỏi nhà và tới thành phố Thâm Quyến làm việc từ năm 14 tuổi, sau khi người bố qua đời. Ông Chen và vợ là hai nguồn thu nhập duy nhất cho gia đình 7 người gồm một người anh trai bị bệnh tâm thần.
'Dở khóc dở cười' nam sinh bị 2 con khỉ cướp cặp xách trên đường tới trường
Bị 2 con khỉ cướp túi đồ trên đường tới trường, cách hành xử của nam sinh khiến nhiều người bất ngờ.
Minh Thu (lược dịch)