CAG: "Nếu có chiến tranh, Ấn Độ sẽ đại bại sau 20 ngày"
“Số lượng đạn dược tồn kho hiện nay không đạt mức tối thiểu”, báo cáo này viết. Cụ thể, vào năm 2013, đạn dược của Ấn Độ ở “dưới mức chấp nhận được” đối với “125 trong tổng số 170 loại đạn dược”.
Ấn Độ chỉ đủ đạn dược các loại để chiến đấu trong 20 ngày. |
Yêu cầu mà Quân đội Ấn Độ đưa ra là số vũ khí đang có phải đủ để có thể chiến đấu trong 40 ngày. Tuy nhiên, các kiểm toán viên phát hiện rằng đến 50% số đạn dược hiện nay sẽ chỉ đủ dùng trong 10 ngày giao chiến.
Các nhà phân tích quân sự đều tỏ ra không mấy ngạc nhiên trước thông tin này. Quân đội Ấn Độ đã đối mặt với tình trạng thiếu thốn đạn dược nghiêm trọng trong vòng ít nhất 16 năm nay. Ví dụ, trong cuộc Chiến tranh Kargil kéo dài 70 ngày vào năm 1999, Ấn Độ phải nhập thêm đạn pháo từ Israel với chi phí rất cao.
Ngay từ năm ngoái, Thời báo Ấn Độ (Times of India) đã tiết lộ rằng quân đội Ấn Độ không thể chiến đấu quá 20 ngày do sự thiếu hụt đạn dược, bao gồm đạn xe tăng và đạn pháo phòng không, tên lửa chống tăng, băng đạn súng máy, lựu đạn và kíp nổ.
Báo này nhấn mạnh rằng chính phủ đã tiến hành “những bước khẩn cấp” nhằm xác định vấn đề và đẩy nhanh tốc độ sản xuất vũ khí dự trữ, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2019.
“Kho vũ khí dự trữ phải đảm bảo có thể chiến đấu “căng thẳng” trong vòng 30 ngày và chiến đấu “thường” trong vòng 30 ngày. Ba ngày chiến đấu “thường” tương đương với 1 ngày chiến đấu “căng thẳng”, do đó chúng phải đủ để chiến đấu trong 40 ngày “căng thẳng” mới đạt yêu cầu“, Thời báo Ấn Độ viết.
Tuy nhiên, quá trình nhập khẩu vũ khí kéo dài và sự thiếu hiệu quả của các công ty sản xuất đạn dược do chính phủ quản lý đã khiến tình trạng thiếu đạn dược không được cải thiện. Một trong những hậu quả của nó là Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu vũ khí.
Ví dụ, công ty Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã không thể sản xuất đạn cho xe tăng T-90 của quân đội. Theo một chuyên gia quân sự Ấn Độ, “loại đạn sản xuất tại Ấn Độ không tương thích với hệ thống pháo của xe tăng”.
Kết quả là quân đội Ấn Độ quyết định mua về 66.000 đạn xe tăng từ Nga vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, Moscow đã bất ngờ tăng giá đạn dược thêm 20%. New Delhi không có lựa chọn nào khác và Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chấp nhận đề nghị tăng giá để có đạn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.