Cách chữa chuột rút nhanh nhất, giảm tình thế nguy hiểm
Nên tập các động tác khởi động toàn thân trước khi bơi. Ảnh: GIA AN |
Điều bạn lo lắng là chính đáng và nên được chuẩn bị khi đi tắm biển hay có hoạt động thể thao tương đối sau thời gian dài ít vận động.
Thông thường khi đang vận động bất ngờ bị chuột rút sẽ rất đau bắp thịt, khiến phải dừng lại ngay không cử động được nữa.
Muốn khỏi đau nhanh chóng cần thực hiện các thao tác sau đây: dừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị chuột rút để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối.
Khi bị chuột rút bắp đùi, cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, 1 tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống.
Trường hợp chuột rút cơ xương sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành, đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Uống nước trà đường nóng, cà phê pha ngọt, nước Oresol, nước cam, nước chanh...
Sau khi đã qua cơn đau, về nhà bạn có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt. Bạn nên đi giày vừa chân, gót giày không quá cao. Có thể dùng một số loại thuốc thuốc điều trị chuột rút như: Vitamin E, thuốc thư giãn cơ...
Bình thường chuột rút không kéo dài và không gây nguy hiểm. Nhưng nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc, đang bơi dưới nước... thì có thể gây tai nạn, chết đuối.
Chẳng may điều này xảy ra trong khi bạn đang đắm mình trong làn nước biển thì trước hết cần phải giữ bình tĩnh, thả ngửa cơ thể trên mặt nước chờ người đến cứu. Khi giơ tay cầu cứu chỉ nên giơ một tay còn một tay kia đập nước để giữ cho cơ thể nổi trên mặt nước.
Nên nhớ, khi không có khả năng bơi vào bờ, bạn càng hoảng loạn, quẫy đạp lung tung thì càng mau chìm. Khi đã bị chuột rút, không nên xuống nước lần nữa, hãy nghỉ ngơi và đi bơi vào ngày hôm sau.
Khi đi bơi ở biển, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh chuột rút bằng cách: uống nước đầy đủ, tốt nhất là các loại nước giàu chất khoáng như: nước oresol, nước chanh đường muối, nước dừa… trước, trong và sau khi bơi.
Khởi động thật tốt trước khi vận động cơ thể, trước khi xuống nước. Tập thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần bơi. Trong khi bơi, không nên vận động quá sức, quá mạnh, chân đạp nước quá nhiều.
Bác sĩ NGUYỄN PHI NGỌ
(Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi)
Theo báo Bà Rịa - Vũng Tàu