Cách chữa bệnh trĩ theo y học cổ truyền có vị trần bì, đại hoàng...
Bệnh trĩ là tập hợp các biểu hiện bệnh lý có liên quan đến những thay đổi của mạng mạch trĩ và của các tổ chức tiếp xúc với mạng mạch này.
Bệnh tuy không nguy hại ngay tới tính mạng người bệnh song nó thường gây nhiều hậu quả xấu: đại tiện ra máu, sa lồi búi trĩ ra ngoài hậu môn, viêm nhiễm từng đợt... gây đau rát, ẩm ướt, ngứa ngáy khó chịu, do đó ảnh hưởng nhiều tới tâm lý, sức khỏe, sinh hoạt và lao động của người bệnh.
Cách chữa bệnh trĩ theo y học cổ truyền (YHCT), có 2 nguyên tắc điều trị cần kết hợp chặt chẽ với nhau tùy theo thể bệnh: điều trị toàn thân (nội trị) và điều trị tại chỗ (ngoại trị).
Điều trị toàn thân
Dựa vào thể bệnh mà dùng bài thuốc thích hợp.
Thể ứ huyết: Đi ngoài ra máu tươi, đau rát, có búi trĩ sa ra ngoài, thường xuyên táo bón, nước tiểu vàng, chất lưỡi hồng chắc, mạch hoạt.
Phương pháp điều trị: hoạt huyết tiêu ứ, chỉ huyết. Dùng bài thuốc Tứ vật đào hồng gia giảm gồm các vị thuốc: sinh địa 20g, xuyên khung 10g, đại hoàng 4g, đương quy 12g, bạch thược 12g, chỉ xác 8g, đào nhân 8g, hồng hoa 8g, hòe hoa 12g. Sắc uống.
Đại hoàng giúp chữa bệnh trĩ. |
Thể thấp nhiệt: Đại tiện ra máu tươi, búi trĩ sưng đau, rát, chảy nước vàng, sốt, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch sác. Phương pháp điều trị: thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết chỉ thống.
Dùng bài thuốc Chỉ thống thang gia giảm gồm các vị thuốc: hoàng bá 12g, hoàng liên 12g, sinh địa 16g, đương quy 10g, trạch tả 12g, đại hoàng 6g, đào nhân 8g, xích thược 12g. Sắc uống.
Thể khí huyết hư: Có tiền sử đại tiện ra máu lâu ngày, da xanh, hoa mắt, chóng mặt, người mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, bệu, mạch trầm nhược. Phương pháp điều trị: bổ khí ích huyết thăng đề.
Dùng bài thuốc Bổ trung ích khí gia giảm gồm các vị thuốc: đẳng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, trần bì 8g, kinh giới tuệ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, cam thảo 6g, hòe hoa 12g, thăng ma 8g, sài hồ 10g, đại táo 12g. Sắc uống.
Điều trị tại chỗ
Tiêm thuốc làm xơ trĩ: Thắt trĩ bằng vòng cao su, tia hồng ngoại; nong hậu môn hoặc cắt cơ tròn trong, cắt lạnh; điện lưỡng cực; tia nước phun; tia laser...
Trường hợp trĩ nặng, sa lồi thường xuyên ra ngoài ống hậu môn, điều trị nội khoa không kết quả thì có thể chỉ định phẫu thuật cắt trĩ.
Phương pháp y học cổ truyền kết hợp dùng thuốc điều trị nội khoa hiện hay dùng và hiệu quả cao là:
Thắt và tiêm dung dịch khô trĩ: Chỉ định cho trĩ nội độ III, trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại khi búi trĩ còn đơn độc, riêng rẽ. Thắt các búi trĩ bằng chỉ Lin rồi tiêm dung dịch khô trĩ gồm nha đảm tử, đảm phàn, khô phàn vào búi trĩ dưới chỉ thắt.
Kết hợp dùng thuốc uống có tác dụng trợ mạch, chống nề, chống viêm, giảm đau như: daflon, adrenoxyl, anphachymotripsin…; thuốc đặt tại hậu môn: dưới dạng mỡ hoặc viên đạn như: titanoreine, tomax, preparationH...
Trần bì là vị thuốc trong bài “Bổ trung ích khí thang gia giảm” trị bệnh trĩ thể khí huyết hư. |
Lưu ý với người bệnh trĩ
Sinh hoạt: Hạn chế các công việc nặng nhọc, tránh ngồi lâu, đứng nhiều, uống nhiều bia rượu.
Ăn uống: Không dùng đồ ăn dễ gây kích thích niêm mạc dạ dày - ruột như: tiêu, ớt... không uống nhiều rượu bia; không ăn các loại đồ ăn dễ gây tiêu chảy. Nên ăn rau, đu đủ, chuối... các loại đồ ăn này làm phân mềm, đỡ táo bón.
Vệ sinh: Tránh va chạm vào vùng hậu môn, giấy vệ sinh phải mềm, xà phòng để rửa hậu môn có tính axít nhẹ, giữ hậu môn luôn khô sạch...
Theo TS. TTƯT. Nguyễn Tất Trung (BV YHCT- Bộ Công an)/ SKĐS