Các nước phản ứng về chi quốc phòng 2012 của Trung Quốc
Các nước phản ứng về chi quốc phòng 2012 của Trung Quốc
> Trung Quốc sẽ chi 100 tỷ đô cho quân sự 2012
> Trung Quốc lại bay thử chiến đấu cơ tàng hình J - 20
Ngân sách quốc phòng thực tế của Trung Quốc ít nhất phải gấp đôi con số vừa được công bố |
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc nhiều năm qua tăng liên tục ở mức hai con số, và chỉ tăng chậm một chút trong năm 2010 với mức dưới 10%
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quân sự Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ Phillip C. Saunders phân tích, việc Trung Quốc nâng cao khả năng tác chiến “chống lại sự xâm nhập” khiến Mỹ phải lo lắng, vì việc này bao gồm cả yếu tố Trung Quốc phát triển thêm chiến đấu cơ cũng như tên lửa chống hạm có thể tấn công hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Ông Saunders dự tính, dự toán ngân sách quốc phòng thực tế của Trung Quốc phải nhiều hơn 50% so với mức được công bố chính thức, vì nó còn phải bao gồm chi phí cho việc chế tạo vũ khí và mua sắm thiết bị quân sự từ nước ngoài.
Ông Saunders cũng cho biết thêm, “Sự phát triển quân sự quá nhanh của Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng, vì thế Trung Quốc mới giảm chi phí so với dự định. Cho dù như vậy, các nước láng giềng trong khu vực vẫn cảm thấy lo lắng”.
Chuyên gia phân tích Sarah McDowall của IHS Jane’s nước Anh cho hay, Trung Quốc tăng mạnh chi phí quốc phòng vừa là đảm bảo hiện đại hóa quân sự trong lâu dài, vừa là xét đến chiến lược quân sự mới của Tổng thống Mỹ Obama.
Giáo sư Sakamoto thuộc trường Đại học Osaka, Nhật Bản cho biết, “Trung Quốc có 14 nước láng giềng có chung đường biên giới, trước kia nước này luôn duy trì sự hùng mạnh của quân đội chính quy, điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng trong thời đại hạt nhân này, Trung Quốc lại là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, việc nước này không ngừng tăng chi phí cho quốc phòng khiến các nước khác không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi”.
Nhưng ông Uday Bhaskar, nguyên phó giám đốc Học viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Ấn Độ lại cho rằng mức tăng 11,2% là khá hợp lý so với tiềm lực kinh tế, quân sự của Trung Quốc hiện nay.
Cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc, ông Geoff Raby cho rằng, Trung Quốc đang thiếu đồng minh ở các nước láng giềng, nước này cần có cơ sở quân sự để tự bảo vệ mình. Có điều, việc Trung Quốc đẩy mạnh chi phí cho quốc phòng sẽ khiến các nước trong khu vực, thậm chí các nước trên thế giới phải thay đổi “chiến lược”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Phi-líp-pin lại tuyên bố, chi phí cho quốc phòng của Trung Quốc không hề gây sự lo lắng cho nước này.
Chuyên gia phân tích về vấn đề Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông, ông Lâm Hòa Lập cho biết, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 11,2% là thấp hơn mức dự kiến, mức tăng năm ngoái là 12,7%, điều này cho thấy Trung Quốc đã có ý muốn để các nước láng giềng giảm bớt lo lắng khi nước này liên tục được tăng cường sức mạnh quân sự.
Nhưng ông Lâm Hòa Lập cũng chỉ ra rằng, “Các nước khác đều biết, ngân sách quốc phòng thực tế của Trung Quốc ít nhất phải gấp đôi con số vừa được công bố”. Ông cho biết, chi phí quốc phòng mà Trung Quốc công bố chưa bao gồm chi phí cho việc hiện đại hóa quân đội, chi phí cho việc nghiên cứu chế tạo vũ khí hiện đại “đến từ nguồn khác”.
Chuyên gia người Đài Loan Đinh Thụ Phạm, chuyên nghiên cứu các vấn đề về quân giải phóng Trung Quốc cho hay, chi phí cho quốc phòng của Trung Quốc cao như vậy, sẽ khiến “các nước láng giềng trong khu vực hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ”. Ông trả lời phóng viên AFP rằng, “Tại sao chi phí quốc phòng của Trung Quốc có mức tăng trưởng cao như vậy, điều này Trung Quốc phải giải thích và phải thuyết phục được các nước láng giềng trong khu vực”.
Hòa Phòng
(Theo Zaobao)