Các hiện tượng có thật ly kỳ hơn phim viễn tưởng
Trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, mọi điều đều là có thể. Tuy nhiên, đôi khi ngay cả các bộ phim khoa học viễn tưởng giàu cảm hứng nhất cũng phải “ngả mũ” trước những hiện tượng có thật trong khoa học.
Trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, mọi điều đều là có thể. Tuy nhiên, đôi khi ngay cả các bộ phim khoa học viễn tưởng giàu cảm hứng nhất cũng phải “ngả mũ” trước những hiện tượng có thật trong khoa học.
Máy truyền ý nghĩ từ xa. |
Em bé ba bố mẹ
Các bác sĩ Mexico, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Mỹ, mới đây đã đi tiên phong trong một kỹ thuật mới để khắc phục các rối loạn di truyền được truyền từ mẹ sang con. Được gọi là hiến tặng ti thể, quy trình bao gồm lấy nhân khỏi trứng của người hiến trứng nhưng để nguyên các ti thể. Nhân này sau đó được thay thế bằng nhân lấy từ trứng của người mẹ, mà ADN ti thể có thể truyền khuyết tật di truyền.
Em bé đầu tiên ra đời nhờ kỹ thuật này đã tránh được bệnh Leigh di truyền, một bệnh làm chậm sự phát triển của hệ thần kinh. Quy trình vẫn chưa được phép áp dụng tại Mỹ, nhưng đã được phê chuẩn ở Anh, mặc dù chưa được thực hiện tại đây.
Sống với 1/10 bộ não
Một người đàn ông 44 tuổi sống ở Pháp đến bác sĩ phàn nàn về tình trạng yếu chân trái, ông đã được chỉ định chụp CAT, một xét nghiệm thông thường cho trường hợp này. Song, kết quả hình ảnh nhận được lại không thông thường một chút nào.
Được chẩn đoán bị não úng thủy - tình trạng dịch tích tụ trong não - khi còn nhỏ, bệnh nhân đã được đặt shunt đến năm 14 tuổi. Nhưng rõ ràng là sau khi rút shunt, dịch vẫn tiếp tục lấp đầy khoang hộp sọ của bệnh nhân trong suốt 30 năm tiếp theo, dần dần ăn mòn não của người bệnh.
Mặc dù bệnh nhân không được nêu tên này là một nam giới trưởng thành khỏe mạnh đầy đủ chức năng, nhưng bộ não chỉ còn 1/10.
Thùng bia di động
Ngoại ô Buffalo, New York, năm 2015, cảnh sát đã bắt giữ một nữ tài xế bị nghi ngờ lái xe trong khi say rượu, với đầy đủ lý do: cô gái nói lè nhè, người đầy mùi rượu và lái xe chạy ngoằn ngoèo trên đường.
Cô gái bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu cao gấp bốn lần so với quy định. Nhưng khi vụ việc được đưa ra tòa, cáo buộc lái xe trong khi say rượu đã được hủy bỏ, sau khi bằng chứng được đưa ra cho thấy cơ thể của bị cáo tự sinh ra rượu.
Chứng bệnh này, gọi là hội chứng thùng bia di động hay hội chứng ruột lên men, không buồn cười như tên gọi của nó. Những người mắc chứng bệnh này phải theo dõi chặt chẽ chế độ ăn, vì bánh mì và các carbohydrat khác có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn - khiến một số bệnh nhân bỏ qua giai đoạn “say” và tiến thẳng đến giai đoạn “chếnh choáng khủng khiếp”.
Thật ngạc nhiên là nữ tài xế trong câu chuyện chỉ mới bị chứng bệnh này trước đó vài ngày (không đủ để dẫn đến độ cồn trong máu tăng vọt) và không hề biết về chứng bệnh của mình cho đến khi các nghiên cứu của luật sư đưa nó ra ánh sáng.
Máy nhân bản
Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật VTT của Phần Lan đã tạo ra nguyên mẫu của một thiết bị mà họ tin rằng có thể là tương lai của ngành nông nghiệp đô thị. Được gọi là “CellPod”, thiết bị trông giống như một bóng đèn, đủ nhỏ để lắp vừa bất kỳ kệ bếp nào.
Tất cả những gì nó cần là những tế bào không biệt hóa của một cái cây nào đó với số lượng “hiển vi”, và trong vòng một tuần, nó sẽ tạo ra lượng thực phẩm in 3D đủ cho một bữa ăn lành mạnh.
Máy truyền ý nghĩ từ xa
Năm 2014, các nhà khoa học Mỹ công bố một bằng chứng vững chắc của khái niệm: Sử dụng kích thích não không xâm lấn, robot được thiết kế đặc biệt, và internet, họ cho phép một đối tượng thử nghiệm gửi một thông điệp trí óc đơn giản (ví dụ “xin chào”) tới một đối tượng thử nghiệm khác, mà không hề có sự liên hệ vật lý giữa hai người.
Và điều này không có gì phải nghi ngờ, vì một người ở Ấn Độ, còn người kia ở Pháp.
Người đầu tiên, kết nối với một máy đo điện não kích hoạt internet, sẽ nghĩ đến một từ, từ này sẽ được dịch sang mã nhị phân bởi một máy tính và gửi thư điện tử đến một robot sẽ truyền tin nhắn đến người nhận. Người nhận sẽ nhận được thông điệp như ánh đèn nhấp nháy tương ứng với thông điệp cụ thể được gửi đi.
Bằng chứng của cuộc sống sau khi chết
Hiện tượng cận tử hoặc trải nghiệm ngoài cơ thể từ lâu đã bị liệt vào loại ngụy khoa học. Nhưng trong nghiên cứu lớn nhất trong lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu Anh đã đưa ra những dấu hiệu đầu tiên của bằng chứng về ý thức ở những bệnh nhân mà não bộ đã ngừng hoạt động - bằng cách thu thập hàng trăm lời kể của những bệnh nhân có thể nhớ chính xác môi trường xung quanh và các sự kiện diễn ra trong khi họ ở trạng thái chết não.
Một trong những trường hợp ly kỳ nhất, một người đàn ông 57 tuổi nhớ lại việc mình đã rời bỏ cơ thể và chứng kiến những nỗ lực để hồi sinh chính mình, mô tả các sự kiện cụ thể chính xác như chúng xảy ra. Thậm chí ông còn nhớ đã nghe thấy hai tiếng bíp từ một chiếc máy phát ra tiếng bíp bíp cách 3 phút một lần, phù hợp chính xác với khoảng thời gian mà người này không có hoạt động của não.
Rõ ràng việc nghiên cứu thêm về những ẩn ý này là cần thiết. Nhưng do mất hoàn toàn hoạt động não đồng nghĩa với cái chết về mặt y học, nghiên cứu này là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy ý thức vẫn tiếp tục, ở hình thức này hay hình thức khác, ngay cả sau khi chúng ta chết.
Nguồn SKĐS