Các dự án đường ống khí đốt của Nga đang "chết cứng"?
Những dự án này được coi là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm hướng đến xây dựng quan hệ với phương Đông trong bối cảnh quan hệ của nước này với Mỹ và châu Âu vẫn đang căng thẳng.
Khí đốt đóng vai trò rất quan trọng đội với nền kinh tế Nga. |
Việc xây dựng đường ống cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ được công bố vào cuối năm 2014, tuy nhiên Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đi đến thống nhất trong thỏa thuận.
Trong khi đó, hai đường ống khác nhằm cung cấp khí đốt cho Trung Quốc mà Nga coi là thị trường quan trọng của ngành năng lượng khi nhu cầu từ các nước châu Âu đang giảm đi cũng không có nhiều tiến triển.
Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ
Đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ chạy qua Biển Đen để vào Thổ Nhĩ Kỳ. Nga tin rằng đường ống này sẽ dần được nối sang Hungary ở Đông Âu. Phần đường ống từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ ước tính sẽ tốn khoảng 11,4 tỉ euro và sẽ cung cấp khối lượng khí đốt lên đến 63 tỉ mét khối.
Ban đầu, Nga có ý định xây dựng đường ống đi ngang qua Bulgaria, song cuối cùng họ đã phải từ bỏ kế hoạch này do sự phản đối của Liên minh Châu Âu. Thay vào đó, dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được công bố.
Lãnh đạo của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tiến hành dự án, tuy nhiên các cuộc đàm phán giữa hai nước về các điều khoản trong thỏa thuận vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng.
Theo các quan chức ngoại giao hai nước, Thổ Nhĩ Kỳ muốn có một số đặc quyền, bao gồm quyền điều phối phần đường ống trên lãnh thổ của mình nhằm trở thành một trung tâm vận chuyển năng lượng trong khu vực. Nhưng Nga tỏ ra ngần ngại trước những yêu cầu này bởi họ muốn giữ thế chủ động trong dự án.
Nga hiện đang mong muốn giải quyết vấn đề này trong cuộc họp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, tình hình chính trị bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ còn kéo dài, khi một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức do đổ vỡ đàm phán giữa các chính đảng nhằm thành lập một chính phủ liên hợp, sau khi đảng cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua.
Nhiều khả năng chính phủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chưa thể đặt bút ký lên thỏa thuận xây dựng đường ống, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu cung cấp khí đốt vào năm 2019.
Sơ đồ mô tả đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc. |
Hai dự án đường ống với Trung Quốc
Hai đường ống cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, một đường xuất phát từ phía Đông Siberia và đường còn lại từ phía Tây Siberia cũng đã gặp nhiều trở ngại lớn, cho dù lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều thống nhất sẽ tiến hành dự án.
Đường ống phía Đông và phía Tây dự kiến sẽ cung cấp cho Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ khí đốt lớn trên thế giới, lần lượt là 38 và 30 tỉ mét khối khí mỗi năm trong vòng 30 năm tới, dự kiến bắt đầu vào năm 2018.
Các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc về đường ống phía Tây đang gặp bế tắc do hai bên đang tranh cãi về giá cả.
Một số chuyên gia cho rằng sự quan tâm đối với dự án đường ống phía Tây của Trung Quốc đang nhạt dần khi nhu cầu khí đốt trong nước giảm đi do kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.
Năm 2014, Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CPNC), một trong những công ty lớn nhất của nước này đã điều chỉnh lại dự báo về nhu cầu khí đốt trong nước vào năm 2020 thành 300 tỉ mét khối, thay vì 400 tỉ so với ban đầu.
Việc xây dựng đường ống phía Đông cũng đã chậm lại so với kế hoạch ban đầu. Mãi đến tận tháng 6 vừa qua, hoạt động xây dựng đường ống ở bên phía Trung Quốc mới bắt đầu.
Vào tháng 5/2014, Nga và Trung Quốc đi đến thống nhất về giá khí đốt của đường ống phía Đông. Nhưng giờ đây Trung Quốc tỏ ra không hài lòng với thỏa thuận này bởi giá khí đốt trên thế giới cùng với giá dầu thô giảm xuống. Đây được cho là nguyên nhân chậm trễ trong việc xây dựng đường ống.
Trong chuyến thăm tới Trung Quốc vào tháng 9 tới, Tổng thống Putin dự kiến sẽ thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình về tương lai của dự án đường ống phía Đông và phía Tây.
Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia tin rằng cuộc họp giữa ông Putin và ông Tập sẽ không làm tiến độ các dự án này được đẩy nhanh hơn. Đối với đường ống phía Tây, một quan chức ngoại giao cho biết “Dự án thậm chí đang đứng trước nguy cơ đóng băng”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Nikkei Asian Review, ấn bản tiếng Anh chuyên về kinh tế - chính trị của tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật, ra đời từ năm 2013.