Brussels mong đợi ‘động thái đáng tin cậy’ từ Thổ Nhĩ Kỳ để hòa giải với EU
Sau những hành động táo bạo năm ngoái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải và những cuộc phiêu lưu ở Trung Đông, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thay đổi quan điểm và có ý định tìm kiếm sự hòa giải với Liên minh châu Âu (EU).
Nhận định trên được tờ Le Monde của Pháp đưa ra mới đây. Theo đó, mặc dù Ankara đã đình chỉ hoạt động khai thác khí đốt ở vùng biển Hy Lạp và bắt đầu đàm phán với Athens về định nghĩa biên giới biển, đồng thời quay trở lại thảo luận với Síp. Nhưng nhiều chuyên gia và chính trị gia châu Âu tỏ ra nghi ngờ về những tuyên bố của phía Thổ Nhĩ Kỳ và mong đợi từ đó những hành động thực sự để hòa giải với Liên minh châu Âu.
Theo Le Monde, ở Brussels vấn đề tương tác với Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong chương trình nghị sự. Vào thứ Hai (25/1), các ngoại trưởng châu Âu sẽ thảo luận về mối quan hệ khó khăn với Ankara sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ông Cavusoglu đã gặp các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu và NATO vào ngày 21-22/1. Theo các nhà quan sát châu Âu, đó là một “động thái quyến rũ” nhằm thiết lập một cuộc đối thoại với liên minh mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tham gia.
Chuyến thăm này dự kiến sẽ có một hội nghị thượng đỉnh toàn châu Âu vào giữa tháng 3, khi các nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước vạch ra một kế hoạch hành động trong bối cảnh tương lai quan hệ với Ankara. Đại diện Cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell sẽ trình bày một báo cáo với một số lựa chọn hành động và các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hiện có một “cánh cửa cơ hội” mới để tăng cường quan hệ giữa nước này với EU. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, Le Monde cho biết, trong những tuần gần đây, cơ quan ngoại giao Brussels đã lưu ý đến “giọng điệu” hòa giải của Tổng thống Erdogan và mong muốn đạt được hòa giải rõ ràng của ông. Sau những vụ khiêu khích năm ngoái ở Địa Trung Hải và những lời lăng mạ đối với Tống thống Pháp Macron, giờ đây Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng đưa ra những lời đảm bảo về mong muốn “mở ra một trang mới” trong quan hệ của nước này với Liên minh châu Âu và Pháp, nhằm tạo ra một chương trình nghị sự tích cực vào năm 2021.
Một nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ nghi ngờ về thái độ này, người này thừa nhận rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang đi đúng hướng, cho đến nay ông Erdogan đã nối lại các cuộc đàm phán sơ bộ về nguồn năng lượng với Athens, đồng thời đã bắt đầu các cuộc thảo luận về tình trạng của Síp, và cũng đã đình chỉ khai thác khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải.
Bất chấp việc đưa ra những tuyên bố nhân từ, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí không thể thống nhất những điểm sẽ thảo luận tại cuộc hội đàm. Các nhà ngoại giao Hy Lạp tin rằng cần đi đến một thỏa thuận về biên giới trên biển và phân chia các nguồn năng lượng, trong khi các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa ra tất cả các vấn đề để thảo luận, đặc biệt là việc phi quân sự hóa các đảo của Hy Lạp. Những kế hoạch như vậy làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đạt được một thỏa hiệp.
Ngoài ra, các chuyên gia của Le Monde hoài nghi về sự thành công của các cuộc đàm phán này và động cơ của chúng. Câu hỏi chính là liệu Tổng thống Erdogan có hỗ trợ các tuyên bố của mình bằng những bước đi thực sự hay không. “Đối thoại là điều cần thiết, nhưng chúng tôi đang chờ đợi những cử chỉ đáng tin cậy”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) bà Ursula von der Leyen cho biết tại cuộc họp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu.
Le Monde cho rằng, sự thay đổi trong “giọng điệu” của Ankara được giải thích bởi lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người ít được Tổng thống Erdogan ủng hộ hơn ông Trump.
Trong một bài phân tích do Carnegie Endowment Europe công bố hôm 21/1, cựu Đại sứ EU tại Ankara, ông Marc Pierini cho rằng các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ “đang tìm cách điều chỉnh luận điệu chính sách đối ngoại để phù hợp với các yêu cầu chính sách trong nước”. Điều này dẫn đến sự nghi ngờ của các đối tác châu Âu và Mỹ, bởi vì Ankara đồng thời “đóng vai bạn và kẻ thù”. Các chuyên gia nhận định, hành vi này đòi hỏi các đồng minh phương Tây phải điều chỉnh lại chiến lược.
Trong khi Pháp và các nước châu Âu khác tỏ ra nghi ngờ về lời nói của ông Erdogan thì Đức lại tỏ ra tin tưởng hơn vào những “tín hiệu tích cực” mà Ngoại trưởng Heiko Maas đề cập trong chuyến thăm hôm 18/1 tới Ankara. Những cuộc đối thoại với Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định giải quyết vấn đề với việc xuất khẩu vũ khí của Đức, bởi vì trước đó Berlin đã tạm hoãn việc cung cấp động cơ và hệ thống truyền động cho việc sản xuất xe tăng chiến đấu thế hệ mới đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019.
Theo ấn phẩm của Pháp, viễn cảnh hạn chế xuất khẩu thiết bị quân sự khiến Tổng thống Erdogan lo ngại hơn hết, với mục tiêu chính là tăng cường nền công nghiệp quốc phòng của đất nước. Ngoài ra, các đồng minh NATO lo ngại về sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào các cuộc xung đột quân sự ở Nagorno-Karabakh, Libya, Syria và miền bắc Iraq. Vì vậy, gần đây các công ty Canada và Anh đã ngừng cung cấp các bộ phận cho Thổ Nhĩ Kỳ để chế tạo máy bay không người lái.
“Ankara đặc biệt nhạy cảm với các lệnh trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt sẽ không thể đạt được bất kỳ kết quả nào”, ông Cavusoglu viết trên Twitter sau cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Le Monde kết luận, Thổ Nhĩ Kỳ muốn duy trì một “bầu không khí tích cực”, nhưng các nhà ngoại giao của họ đã không cho rằng Ankara sẽ thiết lập lại vấn đề về thỏa thuận di cư vào năm 2016. Đòn bẩy áp lực quen thuộc lần này nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc bãi bỏ thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những cam kết mà EU đưa ra cho Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc kiểm soát dòng người di cư muốn đến châu Âu.
Đức cần Nord Stream 2
Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho biết, sau giai đoạn cuối cùng của than đá và năng lượng hạt nhân, Đức sẽ cần khí đốt cho giai đoạn chuyển tiếp. Do đó, Đức cần Nord Stream 2.
Thanh Bình (lược dịch)