Bông điên điển nghịch mùa
Loại cây hoang dã với những chùm bông vàng rực đặc trưng không chỉ trở thành dấu hiệu nhận biết mùa lũ, mà còn là một phần kỷ niệm trong đời sống tinh thần của rất nhiều người con lớn lên trên vùng đất phù sa.
Ngày xưa, muốn ăn bông điên điển, người ta phải đợi đến mùa nước lên mới có. Chắc thấu hiểu nỗi thèm thuồng bất chợt của nhiều thực khách bỗng muốn ôn lại chút cảm giác tuổi thơ mà nông dân bây giờ trồng điên điển cho ra bông quanh năm chăng?
Trong những quán ăn từ bình dân tới sang trọng, bông điên điển đã len lỏi có mặt ở các thực đơn: Điên điển xào tép, bánh xèo bông điên điển, gỏi bông điên điển, bông điên điển chấm mắm kho, chấm nước cá, hoặc đơn giản là vừa điểm tô, vừa thêm chút mùi vị cho nồi lẩu, tô bún cá, bún riêu cua, bún nước lèo…
Nhờ vậy, khách du lịch về miền Tây không ngay mùa nước nổi cũng không phải xuýt xoa tiếc nuối, vì đã được thỏa lòng thưởng thức sau khi nghe giới thiệu về loài “mai vàng của mùa lũ”.
Với nhiều người dân, trồng điên điển nghịch mùa là một cách tăng thu nhập hiệu quả vì bán bông được giá cao và luôn hút hàng. Tận dụng bờ ruộng, bờ hầm quanh nhà, bà con trồng điên điển thuộc nhiều xã của huyện Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới đưa bông điên điển tiêu thụ rộng khắp các chợ trong tỉnh ngay từ những tháng khô hạn.
Giống được trồng phổ biến nhất là điên điển Thái Lan, có lợi thế trổ bông quanh năm, cây cao lớn và năng suất khá. Ông Trần Thanh Tuấn ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú) chỉ trồng 1 công điên điển quanh bờ hầm nhưng vài ngày là thu hoạch được 15 đến 20 kg bông.
Cũng trồng cây điên điển làm kinh tế, bà Nguyễn Thị Ngào ở xã Vĩnh Bình (Châu Thành) chia đất làm các khu riêng, số ít trồng điên điển trái vụ, còn lại gieo hạt điên điển tự nhiên “nuôi” cho đến mùa nước lên. Bà Ngào cho biết, giá bông điên điển mùa nghịch trung bình từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Nhờ bông điên điển Thái có cánh to, dày và nặng nên một ngày chỉ cần bán được vài ký đã bỏ túi khoảng 200.000 đồng. Thấy hấp dẫn, vài năm trở lại đây đã có nhiều hộ học hỏi làm theo.
Riêng giống điên điển mọc tự nhiên, hiện nay cũng đã trổ bông cho năng suất từ 1 - 3 ký bông mỗi ngày. Được ưa chuộng bởi vị ngon ngọt, bông giòn, có hôm điên điển bán được giá lên tới 80.000 đồng/kg. Tuy là món dân dã nhưng được nhiều người ưa thích và săn đón, điên điển hái đem về chỉ cần mất công tuốt nhẹ để tách rời bông, đem rửa sạch là có thể ăn sống, luộc, nấu canh chua, đổ bánh xèo… đều ngon.
Thường nguời ta hái bông điên điển vào buổi chiều trời chạng vạng, vì lúc đó bông chỉ vừa mới hé nhụy và còn nguyên độ tươi ngon. Cặp bờ kênh 7 và 8 thuộc xã Bình Long và thị trấn Cái Dầu (Châu Phú), ngoài bán lẻ, người dân còn giao bông điên điển hàng ngày cho vựa để phân phối đi các chợ Long Xuyên, Châu Đốc với giá 1 kg 25.000 đồng. Trước sân một vài gia đình, cảnh người ta ngồi tụm tụm tuốt bông điên điển rồi vô bọc cẩn thận đã trở nên quen thuộc từ nhiều tháng nay.
Nhắc đến bông điên điển mùa nghịch, cũng có người đem so sánh với bông trổ ngay mùa nước nổi, ngoài vị ngon còn phải kể đến những cảm nhận đặc biệt không phải “cứ thèm ăn là có, ăn xong là thỏa mãn”. Cái ngụ ý đó gợi nhớ tới câu ông bà hay nhắc trước đây: Muốn ăn tô canh chua bông điên điển nấu cá rô mà bông đâu phải nở suốt năm, cũng như cá rô đồng đâu phải vụ nào cũng béo.
Chuyện bà con làm ăn thì ai cũng tán thành, chỉ là có chút hoài niệm về thứ mùi vị của loại bông dân dã, quê mùa mà ai ai cũng từng gắn bó suốt thời gian tuổi thơ trải qua. Những chùm bông điên điển ngòn ngọt, giòn giòn oằn cành soi mình trên đồng ruộng trắng xóa nước đã đem lại những điều tốt đẹp cho bà con suốt bao thế hệ vẫn được nhiều người chờ đợi khi mùa nước nổi thật sự đến.
Bài, ảnh: MỸ HẠNH/Báo An Giang Online