"Bong bóng tín dụng" Trung Quốc sẽ nổ tung?
Và nền kinh tế nước này cũng có mức tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm qua.
Quả bom nợ của Trung Quốc
Những phức tạp trong chính sách đã khiến các nhà đầu tư hoang mang về việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ kết hợp các cải cách lĩnh vực tài chính như thế nào cùng như sẽ chuyển đổi nền kinh tế 10 nghìn tỷ USD từ việc tập trung và dầu tư và xuất khẩu sang chú trọng tiêu dùng và dịch vụ.
Trung Quốc đã quay trở lại với cam kết quản lý đồng nhân dân tệ theo xu hướng điều tiết của thị trường nhưng vẫn chưa rõ liệu chính phủ nước này có sẵn sàng xóa bỏ trợ giá chứng khoán được áp dụng từ mùa hè năm ngoái hay không. Giữa thời điểm mập mờ này, chỉ số CSI 300 Index, giảm 14% từ đầu năm đến nay, đã chứng kiến mức giảm thấp nhất từ năm 2015 và gây áp lực rất lớn lên dòng tiền hiện tại.
Tăng trưởng bấp bênh của Trung Quốc từ năm 1990. |
Khởi đầu không mấy thuận lợi của kinh tế Trung Quốc tháng đầu năm 2016. |
Trước tình hình đó, chính quyền Bắc Kinh phải đối mặt với một hành động cấp bách là cố gắng giữ cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh đủ để trả hết những món nợ cũ mà không làm phát sinh thêm các khoản nợ mới. Chính sự tự tin của Trung Quốc vào quá trình tăng trưởng tín dụng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã khiến nước này ôm phải một khoản nợ chưa từng thấy trong lịch sử.
Charlene Chu, nhà phân tích của Công ty nghiên cứu tự động châu Á, cho rằng: “Trung Quốc đang phải gồng mình đối phó với các vấn đề nợ đọng. Đó là một trong những yếu tố chính để đo sự tăng trưởng GDP và là một trong những lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại lo ngại về quỹ đạo phát triển của Bắc Kinh”.
Một báo cáo mới được công bố tuần trước cho biết sự phát triển của Trung Quốc trong năm 2015 chỉ đạt 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Sức mạnh trong các ngành dịch vụ và tiêu dùng năm ngoái lại khiến cho các ngành truyền thống thụt lùi như công nghiệp nặng hay xây dựng các khu dân cư.
Những chính sách mới cho thị trường chứng khoán của Trung Quốc lại càng khiến cho vấn đề nợ càng thêm hỗn loạn. Thay vì tăng trưởng và hoàn trả nợ như dự đoán, các biện pháp này thực sự không có hiệu quả. Giữa lúc các nhà điều chỉnh đang cố gắng kiểm soát tình hình thì Ngân hàng trung ương Trung Quốc lại khiến các doanh nghiệp bất ngờ khi tuyên bố hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất hồi tháng 8/2015.
Sai lầm của chính sách
Trong nỗ lực khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư và tăng cường sự giám sát, nội các Trung Quốc đã tạo ra một cơ quan mới để giải quyết các vấn đề về kinh tế và tài chính, thuộc Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc. Văn phòng thư ký số 4 có nhiệm vụ phối hợp với các nhà điều chỉnh kinh tế, tài chính và thu thập dữ liệu từ các cơ quan địa phương.
Biện pháp này có hiệu quả hay không vẫn còn phải chờ thêm một thời gian nữa. Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố thêm sức mạnh và kiểm soát vấn đề hoạch định chính sách kinh tế. Ông Tập hứa hẹn trong năm 2013 rằng sẽ để cho thị trường đóng một vai trò quyết định nhưng các nhà phân tích tỏ ra thất vọng vì tiến trình thay đổi quá chậm chạp này.
Chen Zhiwu, chuyên gia của Hội đồng Cố vấn quốc tế của Ủy ban Điều chỉnh chứng khoán Trung Quốc, cho rằng: “Chính quyền Bắc Kinh sẽ không thể sớm buông tay thả nổi thị trường. Một thị trường tự do kiểu Mỹ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực ở Trung Quốc, ít nhất là trong thời đại của tôi. Kinh tế Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc nhiều vào bàn tay của chính phủ. Truyền thống này sẽ không dễ dàng thay đổi”.
Chứng khoán Trung Quốc liên tục "đỏ sàn" trong những phiên đầu năm 2016. |
Cho đến nay chưa có nhiều tiến triển trong việc xóa bỏ khoản nợ khổng lồ, hầu hết là do chi tiêu quá tay vào cơ sở vật chất và nhà ở. Chính phủ, các tập đoàn và người dân Trung Quốc đã vay mượn số tiền lên tới 28 nghìn tỷ USD từ giữa năm 2014, khoảng 282% GDP của nước này vào thời điểm đó.
Louis Kuijs, trưởng nhóm kinh tế châu Á tại Công ty kinh tế Oxford HongKong, phân tích: “Một số bước đi chính sách gần đây liên quan đến thị trường chứng khoán và ngoại hối cho thấy sự căng thẳng giữa tham vọng của giới cầm quyền về cải cách theo hướng thị trường và những mục tiêu cơ bản của chính phủ Bắc Kinh. Thực tế, sự hồi đáp của thị trường quốc tế có thể phản ánh được những mối lo ngại ngày càng tăng về sự căng thẳng nói trên”.
Thị trường bấp bênh
Có những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn chịu rút hầu bao ra chi tiêu, giá nhà cửa vẫn ở mức ổn định và nhu cầu xuất khẩu đang trên đà phục hồi. Tim Summers, cố vấn cao cấp về kinh tế châu Á, cho biết: “Phản ứng của quốc tế có thể là hơi quá so với thực tế do thị trường cổ phiếu của Trung Quốc không mấy liên quan đến nền kinh tế thực hay nói cách khác là chưa liên kết với thị trường quốc tế”.
Cũng có một số tiến triển trong quá trình cải cách. Hầu hết tỷ lệ lãi suất giờ đây ít nhất cũng bị ảnh hưởng bởi các lực lượng thị trường và đồng nhân dân tệ đã được đưa vào rỏ tiền tệ dự trữ của thế giới. Tất cả những yếu tố đó xảy ra cùng lúc với chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập vẫn trên đà phát triển và mở rộng.
Tuy nhiên, với những khoản nợ khổng lồ cùng chính sách thị trường hỗn độn, niềm tin dành cho Trung Quốc cũng dần bị xói mòn, đó là việc liệu ông Tập và các nhà soạn thảo chính sách có thể kiểm soát hay có đủ năng lực để quản lý quy mô của những nhiệm vụ khó khăn như hiện nay hay không.
Arthur Kroeber, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhận định: “Ở mức độ cơ bản, chúng tôi không biết được là liệu ông Tập có hiểu những yêu cầu của nền kinh tế hiện đại hay không. Trung Quốc có thể sẽ không sụp đổ nhưng đang mất dần con đường của mình. Và với việc mất phương hướng như hiện nay, các nhà đầu tư thực sự nên lo lắng”.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.