Bốn bài tập yoga cho người bị thoát vị đĩa đệm
Khi điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm thắt lưng, một phương pháp không thể thiếu là sử dụng các bài tập trị liệu chuyên biệt.
Dưới đây là những bài tập được chuyên gia vật lý trị liệu khuyên bệnh nhân nên áp dụng hàng ngày để hỗ trợ quá trình chữa bệnh đạt hiệu quả cao nhất, tránh biến chứng do bệnh gây nên.
Bài tập do huấn luyện viên Trần Lan Anh - Trung tâm Việt Namyogacentrer hướng dẫn:
Bài 1: Tư thế con mèo /bò
Quỳ xuống sàn nhà, đặt cả hai lòng bàn tay trên sàn nhà, nhìn thẳng.
Hãy chắc chắn rằng lòng bàn tay của bạn đang ở ngang với vai và chân hơi cách nhau, thân mình của bạn cần phải song song với sàn nhà, đùi thẳng đứng.
Hít vào võng lưng xuống. Bạn sẽ cảm thấy cột sống của bạn bị hơi cong về phía sàn. Vai, cổ và đầu nên hướng về phía trước.
Thở ra đẩy cong lưng lên trần nhà, cúi đầu xuống, cằm sát vào hõm ngực. Và lặp lại tư thế 5-8 lần.
Tác dụng:
•Mang lại sự linh hoạt, giảm căng thẳng, đau nhức cho cột sống
•Tăng cường sức mạnh cho cổ tay và vai
•Massage cơ quan tiêu hóa, cải thiện hệ tiêu hóa
•Làm chắc bụng
•Thư giãn trí óc, cải thiện việc lưu thông máu
Bài 2: Tư thế cây cầu
Nằm ngửa, hai đầu gối co lên và hai bàn chân cách nhau một khoảng bằng hông. Khoảng cách giữa hông và gót chân bằng một bàn tay. Hai cánh tay để dọc theo thân người, lòng bàn tay úp xuống. Hơi thu cằm xuống ngực để thư giãn gáy.
Hít vào, nâng hông lên khỏi sàn, cao hết mức bạn có thể thở ra, hạ lưng xuống sàn từng phần một – trước tiên là lưng trên, lưng giữa, lưng dưới, rồi mới tới hông. Lặp lại chuỗi động tác trong khoảng từ 6 đến 8 nhịp thở.
Lợi ích của động tác này:
•Làm tăng sức mạnh của cơ lưng
•Giảm mệt mỏi phần lưng
•Mở rộng lồng ngực, loại bỏ căng thẳng ở ngực và vai, giảm các vấn đề về tuyến giáp
•Giúp não cân bằng, giảm thiểu lo lắng, căng thẳng và trầm cảm
•Cải thiện hệ tiêu hóa
•Giúp giảm các triệu chứng thời kỳ mãn kinh và đau bụng kinh
•Có lợi cho người bị bệnh hen suyễn, viêm xoang, cao huyết áp và loãng xương.
Chống chỉ định: Các bạn chú ý không tập động tác này với những người bị chấn thương lưng và cổ.
Bài 3: Tư thế cái kẹp
Chuẩn bị: Ngồi trên thảm, hai chân duỗi thẳng phía trước.
Thực hiện: Hít sâu thẳng lưng thở ra duỗi dài toàn thân về trước tiếp tục thở ra và duỗi cho đến mức thấp nhất có thể (giữ tư thế thở tự do). Lặp lại tư thế 5-8 lần
Động tác này toàn thân của người tập sẽ gập người xuống gần như một nửa người ra phía trước, kéo giãn toàn bộ phần lưng, từ đầu xuống tới gót chân. Đây là một thế tập đơn giản, nhưng lại có tác dụng mạnh mẽ.
Tác dụng:
- Xoa bóp các cơ quan vùng bụng, tuỵ, gan, thận và bàng quang được kích thích. Giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Chính vì vậy người thực tập tư thế này thường xuyên sẽ giúp cho khả năng sinh lý thật tuyệt vời.
- Kích thích và cải thiện chức năng tiêu hoá, tăng cường nhu động ruột, giảm chứng táo bón, yếu gan và thận, bệnh trĩ, bệnh tiểu đường, viêm dạ dày và mỡ thừa.
- Chống lại hiện tượng béo phì.
- Điều chỉnh chức năng tuyến tuỵ, hỗ trợ tích cực cho những người mắc chứng bệnh tiểu đường và giảm Glucose trong máu.
- Tăng cường sức mạnh các khớp và sự mềm dẻo của cột sống vùng lưng.
- Giảm bớt sức ép trên cột sống và chứng thần kinh toạ.
-Tăng cường và kéo giãn các dây chằng.
Bài 4: Tư thế ống bễ
Bước 1: Nằm ngửa tự nhiên, chân mở bằng vai, hai tay duỗi thẳng theo thân, lòng tay ngửa lên trên.
Bước 2: Thở ra, từ từ co gập đùi phải lên, ép đầu gối vào ngực. Dùng hai tay ôm chặt lấy chân. Giữ trong 8 giây, nín thở.
Bước 3: Hít vào, đồng thời từ từ thả chân phải và tay trở về tư thế tự nhiên ban đầu.
Bước 4: Thực hiện giống như vừa làm nhưng thực hiện bằng chân trái. Giữ trong 8 giây, nín thở.
Bước 5: Hít vào hạ chân trái xuống. Thở ra đồng thời thu 2 chân lên, 2 tay ép vào 2 đầu gối sát ngực. Giữ trong 8 giây, nín thở. Thở ra, từ từ thả 2 chân và 2 tay về tư thế tự nhiên ban đầu. Làm 8 lần
Tác dụng
- Tăng cường sức mạnh các khớp và sự mềm dẻo của cột sống vùng lưng.
– Chữa các bệnh về táo bón, đau đầu, khó tiêu và huyết áp cao.
– Giảm mỡ bụng trong máu.
– Khi thực hành đều thì giúp cho khả năng về hô hấp tốt hơn.