Bộ Y tế quyết định chiến lược mới về điều trị Covid-19: F0 nồng độ vi rút thấp được về nhà
Qua thực tế điều trị, cách ly, xét nghiệm… Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị cho F0 không có triệu chứng. Bệnh nhân dương tính nhưng giá trị CT>=30, không lây thì được xuất viện, thực hiện theo dõi, giám sát y tế tại nhà
Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư này, các chuyên gia đánh giá, biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh và nhiều trong những ngày đầu do việc đào thải mầm bệnh ở nồng độ rất cao.
Vì thế, việc áp dụng các test nhanh để sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp bệnh (F0) là cần thiết và phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Thực tế cũng đã được đánh giá, chứng minh qua đợt dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh và hiện tại là với TP. HCM.
Kết quả nghiên cứu của khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy có gần 70% bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng xảy ra sau 7 – 10 ngày từ khi phát hiện dương tính.
Căn cứ diễn biến của nồng độ vi rút và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân Covid-19.
Với các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10. Nếu 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ vi rút thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.
Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24h. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.
Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
PGS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế |
Theo PGS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại TP. HCM, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn sửa đổi theo hướng dẫn điều trị tích cực hơn khi các bệnh nhân Covid-19 có dấu hiệu trở nặng.
Theo PGS Nguyễn Trường Sơn, chính quyền các địa phương cũng cần chuẩn bị về mặt hồi sức tích cực đảm bảo thu dung cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Ngoài ra, bệnh viện trung ương sẵn sàng hỗ trợ nhân lực về việc điều trị cũng như trang thiết bị giúp cho các địa phương có thể đảm đương được gánh nặng bệnh nhân Covid-19 tiến triển nặng trong đợt dịch này.
Việc thu dung điều trị hiện đang đặt ra thách thức mới cho ngành y tế. Việc thu dung điều trị cách ly tại nhà với các ca F0 là một tầm mới đối với bệnh nhân F0 không có triệu chứng. Bệnh nhân F0 qua điều trị hết giai đoạn trở nặng, không có khả năng lây nhiễm sẽ được điều trị tại nhà.
Điều quan trọng nhất, các F0 dự kiến điều trị tại nhà phải có sự liên hệ chặt chẽ với cơ quan y tế để phát hiện sớm các triệu chứng diễn biến nặng để đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế gần nhất điều trị theo dõi tiếp theo.
Nếu được cách ly tại nhà, F0 cần chuẩn bị sẵn những thứ gì?
Thông tin F0 có thể được theo dõi cách ly tại nhà ở TP.HCM khiến nhiều người 'thở phào' trước tình trạng số ca mắc vượt quá 4 con số ở thành phố này.
Khánh Chi