Bộ Xây dựng sắp kiểm tra 'điểm nóng' nhà ở xã hội rao bán tiền chênh
3 tháng, cả nước chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội được cấp phép
Đây là thông tin được ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin tại Họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Xây dựng, ngày 24/4.
Về việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị. Quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7,95 triệu m2.
Hiện, 418 dự án (đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tiếp tục) tiếp tục được triển khai. Quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m2.
Trong quý I, cả nước có 1 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới tại tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, trong quý có 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. 4 dự án đã hoàn thành xây dựng với quy mô 934 căn hộ.
Có 397 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô 453.426 căn. Trong đó, 152 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô 153.426 căn. 245 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư với quy mô 300.000 căn.
Không để trục lợi chính sách
Trả lời câu hỏi của PV VietNamNet về tình trạng thời gian qua người dân phải dậy từ 2 giờ sáng, xếp hàng 2 ngày không nộp được hồ sơ mua nhà ở xã hội, ông Hoàng Hải cho biết có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Do nguồn cung khan hiếm, một số dự án ở vị trí tốt được nhiều người dân quan tâm.
Trước tình trạng rao bán suất, mua chênh tại không ít dự án nhà ở xã hội vẫn tiếp tục diễn ra, Cục trưởng khẳng định, điều kiện, thủ tục mua bán nhà ở xã hội đã quy định rất chặt chẽ.
Tại các dự án xuất hiện tình trạng rao bán chênh gây nhiễu loạn thị trường ông Hải cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Sở Xây dựng các tỉnh, tham mưu các quy định xử phạt hành vi vi phạm.
“Trong kế hoạch của Bộ, giữa năm nay sẽ có đợt công tác làm việc với các địa phương trong đó liên quan đến kinh doanh bất động sản. Bộ sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có việc rao bán chênh tại các dự án nhà ở xã hội” – ông Hải nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về mua bán nhà ở xã hội.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm để thực hiện đúng chính sách. Không để chính sách về nhà ở xã hội bị lợi dụng. Bên cạnh đó sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xây dựng tạo nguồn cung mới cho thị trường” – Thứ trưởng cho hay.
Trước đó, như VietNamNet phản ánh, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), có lượng hồ sơ nộp rất đông, dù giá bán cao nhất từ trước đến nay. Thậm chí, có người xếp hàng 2 ngày vẫn chưa nộp được hồ sơ.
Trong suốt 3 năm qua, Hà Nội mới có một dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán. Ghi nhận thực tế tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ, từ 4 đến 5 giờ sáng, hàng chục người dân ngồi xếp hàng chờ lấy số vào nộp hồ sơ.
Từ sức nóng về nhu cầu mua nhà ở xã hội, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin rao bán suất mua hay nhận tư vấn, làm dịch vụ để có suất mua căn hộ. Không khó để tìm thấy tại một số nhóm trên mạng xã hội. Nhiều môi giới quảng cáo có suất ngoại giao tại dự án nhà ở xã hội Trung Văn, với tiền chênh lên tới vài trăm triệu đồng/căn.
Hay ở Quảng Ninh, dự án khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Đồi Ngân hàng, (phường Hồng Hải và phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cũng được nhiều người dân quan tâm.
PV VietNamNet liên hệ điện thoại với một môi giới. Người này cho biết, khách hàng có thể mất khoản phí từ 50 – 70 triệu đồng/căn. Nếu khách hàng đồng ý, ban đầu sẽ đặt cọc 20 triệu đồng. Trường hợp khách hàng không mua được căn hộ sẽ được hoàn trả lại tiền.
Hồng Khanh