Bộ trưởng Y tế: Cúm A H7N9 không lan sang VN nếu giám sát chặt chẽ
Trao đổi với các PV bên lề Hội nghị Triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A H7N9 diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn dịch bệnh cúm A H7N9 sẽ không lan tràn vào Việt Nam nếu được sự quan tâm giám sát chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan.
PV: Thưa Bộ trưởng, hiện nay, số bệnh nhân nhiễm cúm A H7N9 ở Trung Quốc đang tăng lên từng ngày, Bộ trưởng đánh giá thế nào về nguy cơ bùng phát dịch này ở Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, nguy cơ dịch cúm A H7N9 đã xuất hiện trên người tại Trung Quốc, Việt Nam là nước có đường biên giới chung với Trung Quốc khá dài, trên 1300 km, phương tiện đi lại và vận chuyển gia cầm diễn ra thường xuyên nên nguy cơ lây nhiễm dịch sang nước ta là rất cao. Ngoài ra chúng ta còn phải đối phó với dịch cúm A H5N1 vì thế công tác phòng chống dịch và giám sát được đặt ra rất cấp bách, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là người dân chúng ta quá hoang mang. Hiện nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo về việc cấm đi lại lưu thông giữa các nước để hạn chế dịch cúm lây lan. Chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ để thực hiện công tác phòng, chống dịch lây lan.
PV: Trước tình hình này, Bộ Y tế Việt Nam đã có những sự chuẩn bị nào để đối phó với dịch cúm, thưa Bà?
Bộ Y tế đã chủ động tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính… để chuẩn bị tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh lây lan và bùng phát. Cùng với đó, Bộ Y tế đã ban hành tất cả các văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch phòng, chống, giám sát mẫu bệnh phẩm và đưa ra phác đồ điều trị. Đồng thờ Bộ cũng đã tiến hành lớp tập huấn cho các nhân viên y tế về công tác giám sát và điều trị cho bệnh nhân. Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các sân bay quốc tế và bệnh viện đầu ngành.
Bộ Trưởng Bộ Y tế: Nếu quyết tâm phòng, tránh và có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các Bộ, ngành… liên quan thì mong rằng dịch cúm sẽ không lan sang Việt Nam. Ảnh NL |
Đồng thời không ngừng chỉ đạo truyền thông đưa ra các thông điệp gửi đến người dân về công tác phòng chống bệnh. Kiểm soát chặt biên giới ở các cửa khẩu hàng không qua máy đo nhiệt độ từ xa của các hành khách khi đi qua các cảng sân bay quốc tế và biên giới đường bộ. Phối hợp chặt chẽ với bộ NN&PTNT giám sát chặt chẽ để phát hiện các ổ cúm trên gia cầm, thủy cầm ở nhiều địa phương khác nhau từ đó chủ động phòng chống dịch. Bộ cũng đã tham mưu tới Thủ tướng để ban hành Công điện về công tác phòng chống dịch cho các địa phương.
PV: Hiện nay, Việt Nam đang phải đối phó với nhiều dịch bệnh cùng lúc, Bà có nhận định gì về việc này? Liệu nó có nguy cơ bùng phát dịch mới vào Việt Nam hay không?
Do biến đổi, đặc tính của khí hậu và đặc tính di truyền của các virus cho nên các đại dịch cúm xuất hiện ở người thời gian qua trên khắp thế giới, đặc biệt là virus lây truyền từ người sang người rất nguy hiểm như Said, H1N1, H5N1 và cũng có những loại bệnh dịch lây truyền qua gia cầm, động vật, các loài chim như cúm A H5N1 và mới đây là cúm A H7N9.
Với điều kiện khí hậu, sự giao lưu quốc tế thì không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng sẽ phải đối đầu với các dịch bệnh mới nổi mà nếu không phòng chống một cách chủ động phối hợp liên ngành và phòng, chống môt cách quyết liệt giữa các cấp, cộng đồng và người dân thì nguy cơ bùng phát các loại dịch là không thể lường trước được. Nên phương pháp cơ bản nhất là chuẩn bị tích cực, phối hợp các ban ngành và được sự đồng thuận của nhân dân.
PV: Thưa Bộ trưởng, hiện nay, chúng ta có sự phối hợp với tổ chức WHO như thế nào trong việc này?
Thời gian tới chúng ta phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong nước, thứ hai là Tổ chức Y tế Thế giới, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc ( FAO) và các tổ chức phát triển quốc tế khác nữa trong quá trình phòng, chống, điều trị và thông báo thông tin công khai minh bạch với thế giới khi phát hiện ra ca bệnh đầu tiên.
PV: Hiện nay, khá nhiều người dân thờ ơ với dịch cúm và chưa thực sự quan tâm tới dịch cúm này. Bộ Trưởng có khuyến cáo gì với người dân?
Người dân chủ động phòng chống với các loại bệnh, trước tiên là rửa tay sạch với xà bong. Tiếp đến là không ăn các thức ăn, thực phẩm không rõ nguồn gốc đặc biệt là không ăn gia cầm bệnh hay những gia cầm được vận chuyển từ những vùng có nguy cơ. Thứ 3 là phát hiện sớm, theo dõi khi xuất hiện các dấu hiệu ban đầu. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng. Nếu quyết tâm phòng, tránh và có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các Bộ, ngành… liên quan thì mong rằng dịch cúm sẽ không lan sang Việt Nam.
Vâng, xin cám ơn Bộ trưởng!