Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra lệnh kiểm tra kho vũ khí hạt nhân
Theo hãng tin RT, việc xem xét lại các văn bản liên quan tới vũ khí hạt nhân sẽ giúp chính quyền của ông Trump có căn cứ để thu mua, triển khai và quản lý các loại vũ khí hạt nhân.
"Bộ trưởng Mattis đã trực tiếp yêu cầu xem xét lại chính sách hạt nhân (NPR) và tổng kết thành báo cáo trình lên Tổng thống vào cuối năm nay", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White phát biểu hôm 17/4.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân của Mỹ. |
Trước thời điểm chính thức nhậm chức, ông Trump từng chia sẻ Mỹ "cần đẩy mạnh tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân trong bối cảnh cả thế giới cùng quan tâm tới hạt nhân".
Hôm 27/1, trong bản ghi nhớ an ninh quốc gia, ông Trump cũng đã yêu cầu cải tiến NPR để đảm bảo "năng lực phòng thủ hạt nhân của Mỹ diễn ra an toàn, an ninh, hiệu quả, đáng tin cậy và đối phó được với những mối đe dọa trong thế kỷ 21 cũng như đảm bảo hỗ trợ cho các đồng minh".
Theo đó, NPR quy định các điều khoản liên quan tới kho hạt nhân, cơ sở hạ tầng hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn nước ngoài cũng như chính sách trong nước.
Hiện quân đội Mỹ đang nắm trong tay khoảng 4.000 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng hoạt động và 2.800 đầu đạn đang chờ được tiêu hủy.
Theo Defense One, sau hàng thập niên không được sử dụng, nhiều oanh tạc cơ của Mỹ đã có tuổi thọ hơn 60 năm trong khi các hệ thống kiểm soát và điều hành cùng các kho chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa đã hỏng hóc.
Do đó, Lầu Năm Góc dự định chi hàng tỷ USD trong 15 năm tới để phát triển và mua thêm các máy bay ném bom B-21 mới, một hạm đội mới tàu ngầm hạt nhân và các tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng như nâng cao năng lực kiểm soát và điều hành các thế hệ tên lửa mới.
Văn bản NPR gần nhất được hoàn thành dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2010.
Chuyên gia nghiên cứu vũ khí hạt nhân tại tổ chức Los Alamos Study Group, ông Greg Mello nhấn mạnh: "NPR dưới thời chính quyền Tổng thống Obama đã thận trọng từ bỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây là lý do chính quyền đương nhiệm đang muốn khôi phục quyền được sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên".