Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Nhập thiết bị cũ là chúng ta tự hại mình
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 23/8.
Theo Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như thực hiện Luật Thương mại, Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành đã xây dựng một thông tư để hạn chế, quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, gọi chung là thiết bị cũ.
Điều này rất cần thiết vì nếu chúng ta không quản lý thì sẽ dẫn đến doanh nghiệp (DN) nhập khẩu về, sau đó đưa vào sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và có thể là mất an toàn cho nền kinh tế.
Việc ban hành Thông tư sẽ góp phần kiểm soát việc nhập thiết bị cũ và đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào Việt Nam.
Hơn nữa, theo Bộ trưởng chúng ta chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do với châu Âu… khi không còn hàng rào thuế quan và chúng ta phải tuân thủ luật lệ của các hiệp định này, việc hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với nước ngoài là rất quan trọng.
“Nếu Việt Nam dùng thiết bị cũ, dây chuyền cũ thì không thể có được sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hạ để có thể cạnh tranh với nước ngoài”, Bộ trưởng thẳng thắn nói.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, nhập thiết bị cũ là chúng ta tự hại mình. |
Liên quan đến vấn đề nhập khẩu máy móc này, Bộ trưởng cho hay, năm 2014, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 20 về quản lý nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, sau khi ban hành đã gặp phản ứng của DN, đặc biệt là DN FDI. Bởi vì khi xây dựng thông tư, xây dựng Luật Thương mại thì căn cứ tình hình của Việt Nam ở thời điểm đó những tiêu chuẩn của Thông tư ban hành khá cao nên nhiều DN cảm thấy không thể đáp ứng được.
“Khi đó chúng ta chưa tham gia quá nhiều vào sân chơi chung thiết lập bởi các hiệp định thương mại tự do. Do vậy, các DN rất muốn được tự do nhập khẩu thiết bị cũ. Đồng thời, có những quy định làm cho DN cảm thấy không yên tâm bởi thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài, hoặc có những vấn đề không khả thi. Vì thế, Bộ KH&CN đã cho dừng hiệu lực của Thông tư này để chỉnh sửa cho phù hợp với nhu cầu thực tế, cũng như khả năng của các cơ quan quản lý”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Chia sẻ thêm về Thông tư 20, vị Bộ trưởng cho biết Thông tư được xây dựng trong hơn một năm kể từ có Nghị định 187 của Chính phủ triển khai Luật Thương mại và đã lấy ý kiến rất nhiều bộ, ngành, DN, kể cả tham vấn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, mong muốn của bộ, ngành ở thời điểm đó là phải kiểm soát chặt việc nhập khẩu thiết bị cũ vì ở giai đoạn đó có rất nhiều tình trạng DN vi phạm dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng.
“Vì thế, chúng ta đặt ra vấn đề là thiết bị không được quá 5 năm sử dụng, chất lượng còn lại trên 80%. Phải đáp ứng đồng thời cả 2 tiêu chuẩn đó thì mới được nhập khẩu. Chưa kể chúng ta còn quy định việc giám định nhập khẩu phải do các cơ quan có thẩm quyền chỉ định các tổ chức giám định. Hơn nữa, khâu giám định đánh giá chất lượng còn lại là rất khó khả thi”, Bộ trưởng phân tích.
Song, người đứng đầu ngành KH&CN khẳng định, với thông tư mới, tất cả vấn đề nói trên đã được tháo gỡ. Trước hết, tuổi của thiết bị đã được nới ra, không phải 5 năm mà tới 10 năm. Trong những trường hợp đặc biệt, các bộ quản lý lĩnh vực đó có thể quyết định thời gian còn cao hơn cho phù hợp.
Việc giám định chất lượng còn lại thì chuyển sang quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Không phải đánh giá chất lượng còn lại mà đánh giá thiết bị đó dù được sản xuất ở đâu thì cũng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Nếu Việt Nam chưa có quy chuẩn đó thì phải tuân thủ tiêu chuẩn của các nước G7.
Cùng với đó, thủ tục thông quan cũng được đơn giản hóa tối đa, nếu như chưa đầy đủ giấy tờ chứng minh tuổi thiết bị cũng như tiêu chuẩn sản xuất thì vẫn có thể đưa về kho bảo quản. Trong thời hạn quy định tại Luật Hải quan, sẽ nộp lại toàn bộ giấy tờ, sau đó mới được thông quan. Chứng thư giám định đó cũng rất đơn giản, bất kể tổ chức giám định nào của Việt Nam đều có thể làm được bởi vì chỉ xác định thiết bị được sản xuất năm nào, theo tiêu chuẩn nào chứ không phải như trước đây phải giám định chất lượng còn lại.
Song, theo vị Bộ trưởng thì khi DN muốn được thông quan thì phải có xác định của cơ quan giám định, những tổ chức giám định của chúng ta hoàn toàn đủ khả năng giám định 2 chỉ tiêu quan trọng nhất của thông tư này là tuổi thiết bị và tiêu chuẩn sản xuất.
Hơn nữa, cũng có quy định rất cụ thể là các cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm. DN có thể cam kết, cơ quan giám định có thể cấp giấy chứng nhận, chứng thư giám định. Nhưng sau này, các cơ quan chức năng phát hiện có sự gian dối khi khai báo hoặc là có việc “chạy” chứng thư giám định, đã có điều khoản yêu cầu DN tái xuất thiết bị và chịu mọi tổn thất, chi phí. Đồng thời, DN có thể phải chịu thêm xử phạt vi phạm hành chính.
Bộ trưởng cũng khuyến cáo DN Việt Nam, trong thời gian tới hãy cân nhắc trước khi nhập thiết bị đã qua sử dụng. Nếu như chúng ta dùng máy cũ, không thể tạo ra sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Khi đó nhập thiết bị cũ là chúng ta tự hại mình. Chúng ta nên nhập thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển.
Còn trong trường hợp nhập thiết bị cũ thì cũng đừng quá lạc hậu, đừng nghĩ rằng thiết bị có tuổi 15-20 năm thì vẫn còn tốt. Những máy móc, thiết bị đó tốt thật, nhưng sẽ không thể sản xuất ra được những sản phẩm cạnh tranh được với những sản phẩm của các nước tiên tiến.