Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn về ASEAN và UNESCO
Thực hiện quyết định số 1615/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thông tin, tuyên truyền về các sự kiện hội nhập quốc tế nổi bật 2015-2016, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn về ASEAN và UNESCO cho các cán bộ chuyên trách ngành Thông tin và Truyền thông cũng như các phóng viên cơ quan báo chí.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội nghị |
Hội nghị tập huấn về ASEAN và UNESCO đã tập trung vào 2 chủ đề chính gồm: Cộng đồng ASEAN và UNESCO với các giá trị di sản.
Trong đó, cộng đồng ASEAN với các chủ đề được ưu tiên như: Lao động việc làm và an sinh xã hội, vấn đề môi trường, thương mại hàng hóa và dịch vụ, tình hình an ninh chính trị hiện nay… UNESCO và các giá trị di sản với những thông tin bao quát toàn diện về hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và 4 Tiểu ban: Văn hóa, Giáo dục, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về tuyên truyền quảng bá ASEAN, UNESCO, đồng thời cũng là cơ quan chủ trì tiểu ban thông tin Truyền thông, việc phối hợp với các bộ ngành, cơ quan tổ chức hội nghị tập huấn cho các cán bộ sở Thông tin, các tỉnh phía Bắc, các phóng viên nhà báo đến từ các cơ quan trung ương và Hà Nội.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, các cơ quan, Sở Thông tin & Truyền thông, phóng viên báo chí là những cán bộ có vai trò hết sức quan trọng, đã và đang có nhiều đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức người dân, các đối tượng xã hội về nhiều mảng thông tin trong đó có ASEAN và UNESCO.
Thời gian qua, các bộ ngành đã triển khai rất nhiều chương trình liên quan đến ASEAN và UNESCO tuy nhiên việc cung cấp thông tin đối với các cơ quan báo chí chưa được làm thường xuyên, đầy đủ.
Vì vậy, hội nghĩ cũng là dịp để các phóng viên báo chí, các cán bộ cơ quan thông tin truyền thông và các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến các hoạt động tuyên truyền ASEAN và UNESCO gặp gỡ, giao lưu trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan truyền thông, đặc biệt là các chuyên viên chuyên trách cần tăng cường hiệu quả tốt hơn nữa các công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và nhận thức về cộng đồng ASEAN và chủ đề UNESCO đến các độc giả trong cả nước.
“Muốn làm tốt việc thực hiện thông tin tuyên truyền, các phóng viên báo chí và cán bộ chuyên trách về thông tin cần hiểu rõ về các lĩnh vực để từ đó có những thông tin chất lượng, xác thực và chuyên sâu hơn để từ đó thông tin tuyên tuyền cho công chúng”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
![]() |
Tại hội nghị, ông Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ về UNESCO, Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam cũng đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến hoạt động của UBQG UNESCO Việt Nam.
Ông Phạm Sanh Châu chia sẻ: “Việt Nam đã gia nhập UNESCO từ năm 1951, UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc - phụ trách mảng rộng lớn nhất trong số 14 cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc. Hiện Việt Nam đã có 22 danh hiệu của UNESCO. Những danh hiệu này góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với thế giới”.
Theo ông Châu, việc định hướng hoạt động sắp tới của Việt Nam tại UNESCO chủ yếu liên quan đến văn hóa và di sản.
Chia sẻ thêm về chủ đề UNESCO, bà Nguyễn Phương Hòa, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trong năm 2016, Tiểu ban Văn hóa UNESCO Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các Công ước như: Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Công ước 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa;…
Đồng thời Tiểu ban Văn hóa UNESCO Việt Nam đã trình Chính phủ Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Ngoài ra, thẩm định nhiều dự án tu bổ di tích, khai quật khảo cổ học tại các khu Di sản thế giới nhằm bảo vệ tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn của các Di sản thế giới…
Liên quan đến các thông tin về Cộng đồng ASEAN, bà Bùi Thùy Anh, Phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) cho biết:
Cộng đồng kinh tế ASEAN hướng đến trở thành một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế ASEAN hiện lớn thứ 3 châu Á, thứ 6 thế giới với GDP là 2,6 ngàn tỷ USD và 622 triệu dân.
“Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 91% biểu thuế và sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu của 98,27% biểu thuế vào năm 2018. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018 sẽ xóa thuế các mặt hàng như: Ô tô nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng ô tô, sắt thép, linh kiện phụ tùng xe máy, rượu bia, xe đạp và phụ tùng, giấy các loại…”, đại diện Bộ Công thương khẳng định.