Bộ Quốc phòng Australia tiếp tục đóng tàu chiến ở Việt Nam
Tàu huấn luyện được dựa trên nguyên mẫu OPV 2400 của Hà Lan |
Theo tin từ tờ Australian Defence (Quốc phòng Australia) và các nguồn tin từ chính phủ Australia, cũng như điều kiện của các nhà máy đóng tàu Úc, lý do chính của việc hợp đồng rơi vào tay Damen - Sông Cấm của Việt Nam là "giá đấu thầu khả thi và có thể đáp ứng vấn đề tiến độ và thời gian hoàn thành của hợp đồng".
"Chính phủ của Thủ tướng Abbott đang tìm kiếm sự hợp tác cởi mở với các quốc gia khác," Bộ trưởng Quốc phòng Australia, ông David Johnston cho biết.
Hợp đồng đóng mới một chiếc tàu huấn luyện được dựa trên nguyên mẫu OPV 2400 của Hà Lan. Tàu dài 90m, lượng giãn nước toàn tải 2.400 tấn, tốc độ tối đa 23 hải lý, thủy thủ và học viên 60 người, tàu có hangar để chứa trực thăng, được thiết kế đặc biệt để có thể phục vụ cho các loại máy bay trực thăng của Úc như Sea Hawk và MRH-90. Tàu cũng được trang bị một hệ thống ổn định nhằm tăng cường khả năng hoạt động cho máy bay trực thăng.
Thỏa thuận này là một phần trong một hợp đồng đào tạo về máy bay trực thăng lớn hơn của dự án được gọi là Air 9000 Phase 7, hợp đồng này có trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Đây không phải là hợp đồng đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Australia với nhà máy đóng tàu Damen - Sông Cấm. Ngày 21/3 năm nay một hợp đồng đóng một tàu cứu hộ MV STOKER đã được ký kết tại nhà máy Damen Sông Cấm.
Trước đó nữa một hợp đồng đóng tàu thoát hiểm MV BESANT cho Hải quân Hoàng gia Australia cũng đã được ký kết, hai con tàu sẽ được bàn giao vào năm 2015 và 2016, tàu sẽ được bố trí tại căn cứ tàu ngầm chính HMAS Stirling ở miền Tây Australia.