Bộ ngoại giao Mỹ đặc biệt quan ngại hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông
“Những hành động gây hấn liên tục của Trung Quốc nhằm vào hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài biển của các nước lân cận đang đe dọa đến an ninh năng lượng và cản trở tiến trình xây dựng một thị trường Châu Á – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông. |
“Hoa Kỳ đặc biệt phản đối những hành vi cưỡng ép và đe dọa của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực nhằm khẳng định chủ quyền trên biển”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Trung Quốc cần dừng ngay những hành động gây hấn như vậy và không được tiếp tục có những hoạt động gây bất ổn trong khu vực”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc đến phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo vào đầu năm nay, khi ông nói rằng “bằng việc ngăn chặn phát triển dầu khí trên Biển Đông với những hình thức cưỡng chế, Trung Quốc đã khiến các thành viên khối ASEAN không thể tiếp cận được hơn 2,5 nghìn tỉ USD năng lượng dự trữ”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận định, sức ép ngày càng lớn của Trung Quốc với các nước ASEAN ép buộc họ phải tuân theo các điều khoản của Bộ Quy tắc hành xử nhằm hạn chế quyền được hợp tác với các công ty hoặc quốc gia thứ ba đã lộ rõ chủ đích của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.
“Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông, cũng như điều động dân quân trên biển nhằm đe dọa, cưỡng chế, gây hấn các nước khác đang làm ảnh hưởng xấu đến nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận.
Trước đó, ngày 19/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7 liên quan diễn biến ở khu vực Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho hay, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
"Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là đảm bảo lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.