Bố mẹ ngã ngửa vì con trai hút thuốc, điều khiển các bạn bằng tiền
Công việc bận rộn, lại hay phải đi công tác, chị Nguyễn Thúy Huyền (Q.4, TPHCM) thường để con ở nhà với người giúp việc. Áy náy với con vì mẹ đi nhiều nên trước mỗi chuyến công tác, chị Huyền thường đưa con chút tiền.
Trước đây, thấy mẹ đi công tác nhiều, con trai chị Huyền buồn thỉu buồn thiu. Thế nên, chị Huyền cảm thấy áy náy khi không thể ở nhà nhiều với con. Đặc biệt, có những thời gian con đang thi cử, chị vẫn không dừng được chuyến đi công tác của mình. Thương con lắm, chị dúi cho con chút tiền để con thích mua gì thì mua. Từ đấy trở đi, lần nào xách vali ra khỏi nhà, chị Huyền cũng cho con vài trăm nghìn. Nhìn con trai nhận tiền trong niềm vui, chị Huyền cảm thấy đỡ áy náy hơn nhiều.
Chị Huyền không biết rằng, khi có tiền trong tay, cậu con trai ở tuổi dậy thì dễ bị bạn bè lôi kéo. Từ một đứa bé ngoan, cậu bị bạn bè rủ rê chơi game ở quán, rồi hút thuốc lá, dùng thuốc lá điện tử. Lúc nào cậu cũng được bạn bè nhiệt tình rủ đi chơi. Việc không có mẹ ở nhà, cậu đã quá quen nhưng giờ cậu cảm thấy bớt cô đơn khi bên cạnh luôn có những người bạn ham chơi. Thậm chí, việc mẹ đi công tác dài ngày, cậu cũng không quan tâm hay chờ đợi như trước.
Chị Huyền chủ quan khi con trai ngày bé học giỏi, ngoan ngoãn thì sẽ không có chuyện hư hỏng được. Chị nghĩ rằng số tiền mẹ cho, chắc con chỉ dùng để ăn quà vặt, mua vài thứ con thích. Chị không tưởng tượng được đứa con trai non nớt, nhút nhát của mình có thể phì phèo điếu thuốc trên môi. Thế nên khi nghe cô giáo thông báo kết quả học tập của con trai ngày càng sa sút, con trai còn bị bắt gặp khi hút thuốc cùng bạn ở ngoài cổng trường, chị "ngã ngửa".
Lúc này, chị Huyền mới nhận ra sai lầm của mình. Việc chị thường xuyên đi công tác khiến con không được quan tâm thường xuyên, con cảm thấy cô đơn, không biết chia sẻ cùng ai. Bên cạnh đó, khi mẹ lấy tiền để "mua chuộc" con sẽ khiến con thấy đồng tiền thật "vạn năng". Khi có tiền trong tay, con mang đến lớp với mục đích "mua chuộc" các bạn về phe mình hoặc làm theo những gì mong muốn. Con sẵn sàng lấy tiền ra làm công cụ giải quyết mọi vấn đề đang gặp phải. Con cho rằng có tiền là có sức mạnh và dễ dàng có những hành động "nổi loạn".
Cũng giống như chị Huyền, nhiều bậc cha mẹ bận rộn thường thể hiện tình yêu thương con bằng tiền và vật chất. Họ nghĩ sẽ bù đắp tình cảm cho con khi cung cấp mọi thứ đồ tốt nhất, xa xỉ nhất như sẵn sàng mua những đồ chơi đắt tiền, quần áo, cho con tiền để trẻ có thể mua những gì con thích. Đi kèm theo đó, cha mẹ thường thanh minh với con: "Cha mẹ bận rộn để kiếm tiền chủ yếu là vì yêu và lo lắng cho tương lai sau này của con!". Mọi tình yêu của cha mẹ đều thể hiện bằng việc đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất của trẻ. Họ không biết rằng, hành động này vô hình trung sẽ khiến trẻ hữu hình hóa tình yêu thương của cha mẹ bằng những món đồ đắt tiền. Từ từ, sợi dây liên kết của cha mẹ và con cái sẽ ngày càng dài ra, khoảng cách sẽ ngày càng rộng.
Theo chuyên viên tâm lý Phạm Thị Lan, cha mẹ bận rộn cần sắp xếp lịch theo thứ tự ưu tiên theo tuần hoặc tháng, luôn dành một phần trong đó là những việc làm chung với con. Cha mẹ cũng cần chủ động trao đổi, tâm sự về mong muốn của con ở cha mẹ, cần lập kế hoạch để có một thời gian nhất định mà cả gia đình có thể sinh hoạt và trò chuyện cùng nhau hoặc tham gia trò chơi mang tính gia đình. Ngoài ra, tránh để trẻ ở nhà dài ngày với người giúp việc hoặc ông bà. Cần cho trẻ hiểu rằng, công việc và tiền bạc chỉ là một công cụ để hỗ trợ làm cho cuộc sống tốt đẹp và dễ chịu hơn chứ không phải là tất cả.
Theo phunuvietnam.vn