Bộ khí tài KX “vạch nhiễu” tìm B52
Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, nghiên cứu chống nhiễu, phát hiện để bắn rơi “siêu pháo đài bay” MB-52 là một trong những nội dung nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam. Từ cuối năm 1968, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã cử nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật, trong đó có một bộ phận của tiểu đoàn trinh sát đi cùng các tiểu đoàn tên lửa vào nam Quân khu 4 và tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn theo dõi, nghiên cứu nhận dạng và tìm cách đánh máy bay B52. Vượt qua mọi khó khăn, qua theo dõi, nghiên cứu các thủ đoạn gây nhiễu của địch trong hai mùa khô năm 1968-1969 và 1969-1970, nhóm cán bộ của tiểu đoàn trinh sát nhiễu phát hiện một hiện tượng khá đặc biệt: Trong số ra-đa ta đang sử dụng có một loại ra-đa máy bay B52 không phát hiện được. Trên cơ sở đó, cuối năm 1971, một tổ cán bộ nghiên cứu thuộc Phòng Nghiên cứu kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đề xuất một công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật: Dùng loại ra-đa không bị máy bay B52 gây nhiễu ghép nối với đài điều khiển phục vụ bộ đội tên lửa đánh B52.
Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57, Trung đoàn tên lửa 261 trao đổi kinh nghiệm sau trận đánh. Ảnh tư liệu. |
Tháng 1-1972, tổ nghiên cứu hoàn thành bản vẽ thiết kế, sau đó chuyển đến Tiểu đoàn 76, Trung đoàn tên lửa 257 lắp ráp thành bộ khí tài mới. Qua thử nghiệm, bộ khí tài này có thể giúp bộ đội ta phát hiện các loại máy bay địch, đặc biệt là B52. Để đánh giá hiệu quả bắt mục tiêu B52, ngày 22-2-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ chỉ thị cho tổ nghiên cứu kỹ thuật lắp ráp bộ khí tài thứ hai tại Tiểu đoàn 89, Trung đoàn tên lửa 274 đang chiến đấu ở Quảng Bình để kiểm nghiệm thực tế. Gần 2 tháng, bộ khí tài mới triển khai bắt được mục tiêu 18 lần, trong đó có 16 lần B52. Trên cơ sở đó, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ chỉ thị cho Phòng Nghiên cứu kỹ thuật lắp thêm 6 bộ khí tài mới trang bị cho các đơn vị tên lửa tác chiến bảo vệ Hà Nội. Tháng 6-1972, Cục Kỹ thuật cung cấp toàn bộ bản vẽ và một số mẫu cho nhà máy Z119 thuộc Cục Quân giới để lắp ráp 6 bộ khí tài mới. Hàng trăm kỹ sư và công nhân kỹ thuật nhà máy không kể ngày đêm làm việc khẩn trương, nhanh chóng hoàn thành gia công và lắp ráp hoàn chỉnh 6 bộ khí tài đúng thời gian quy định, bảo đảm hệ số kỹ thuật. Các bộ khí tài mới mang ký hiệu KX.
Để xác định độ tin cậy của bộ khí tài KX, ngày 19-11-1972, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ tổ chức trình diễn ở Tiểu đoàn 79, Trung đoàn tên lửa 257. Sau 2 giờ theo dõi hoạt động của bộ khí tài KX cho thấy, khả năng chỉ chuẩn mục tiêu giúp đài điều khiển tên lửa phát hiện máy bay B52 để tiêu diệt chúng. Đây là thành tựu quan trọng về nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự của quân đội ta. Cùng với những bước cải tiến tên lửa có hiệu quả, khả năng “vạch nhiễu tìm thù”, phát hiện được mục tiêu B52 của khí tài KX góp phần bảo đảm cho bộ đội tên lửa nâng cao hiệu quả chiến đấu bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay” của đế quốc Mỹ.
Đêm 18-12-1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược đường không với mật danh “Lai-nơ-bếch-cơ II” vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác trên miền Bắc. Do chuẩn bị tốt, trong 12 ngày đêm Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, bộ đội tên lửa phối hợp với lực lượng phòng không ba thứ quân anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều loại máy bay địch, trong đó có cả B52. Từ ngày 18 đến 24-12, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn tên lửa 261 bố trí ở phía bắc sông Hồng và Tiểu đoàn 79, Trung đoàn tên lửa 257 bố trí ở phía nam sông Hồng sử dụng bộ khí tài KX nhiều lần phát hiện B52, phục vụ bộ đội tên lửa chiến đấu nhiều trận đạt hiệu quả. Tiểu đoàn 57 được bộ khí tài KX chỉ dẫn mục tiêu bắn rơi 4 máy bay B52. Riêng đêm 22-12, Trung đoàn tên lửa 257 sử dụng bộ khí tài KX phát hiện B52, phục vụ đài điều khiển tên lửa phóng 4 quả đạn diệt 2 máy bay B52.
Sáng 25-12, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ triệu tập hội nghị tổng kết đợt một chiến đấu đánh trả máy bay B52 ở khu vực Hà Nội. Hội nghị phát hiện thêm một ưu điểm nữa của bộ khí tài KX là khả năng phân biệt được máy bay B52 thật và B52 giả, giúp người chỉ huy chỉ thị hướng tốp máy bay B52 đang tiếp cận để bộ đội tên lửa đánh trúng mục tiêu. Sau hội nghị, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ chỉ thị cho các đơn vị tên lửa được trang bị khí tài KX bố trí ở Hà Nội, Hải Phòng phải thông báo về sở chỉ huy quân chủng hướng vào tốp B52 mà bộ khí tài KX bắt được. Phát huy thắng lợi, trong đợt 2 (từ ngày 26 đến 29-12), các đơn vị tên lửa sử dụng bộ khí tài KX tiếp tục phát hiện, chỉ dẫn đánh B52 hiệu quả.
Thắng lợi của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” khẳng định sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thế đối đầu với chiến tranh phá hoại bằng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ. Quân đội ta đánh thắng B52 bằng những vũ khí trang bị hiện có là một bất ngờ đối với Mỹ. Bên cạnh trình độ tác chiến phòng không, thắng lợi này khẳng định khả năng nghiên cứu, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại của bộ đội ta. Chúng ta đã thắng “siêu pháo đài bay” hiện đại của Mỹ bằng cả ý chí kiên cường và trí tuệ trong chiến tranh hiện đại.
Theo Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
(QĐND)