Hành hạ con, xích cổ dắt đi, bắt 'sủa': Hành vi phi đạo đức, coi thường pháp luật
Ngày 3/11, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thành Luân (còn gọi là Luân 'chùa', 37 tuổi) để điều tra về hành vi hành hạ con.
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Theo quan điểm của tôi thì đa số phụ huynh Việt Nam trước đây vẫn nghĩ “thương cho roi cho vọt”. Tuy nhiên, bạo lực chưa bao giờ là cách tốt nhất để giáo dục con cái.
Nhưng Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con cái. Khoản 1: “Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.”
Cùng với đó là sự phát triển của xã hội, những hành vi dã man trong vụ việc của Luân “chùa” không thể chấp nhận vì vừa phi đạo đức, vừa vi phạm pháp luật. Cha mẹ dạy dỗ con không đồng nghĩa với việc xâm hại đến sức khoẻ và danh dự nhân phẩm của con”.
Từ việc nêu trên, luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm: “Tôi nhận thấy đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối, điển hình cho sự suy thoái đạo đức, qua đây cũng bộc những điểm chưa tương đồng giữa nhận thức và hiểu biết pháp luật của một bộ phận người.
Tôi cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành con cái nói riêng và bạo lực gia đình nói chúng bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây: Đó là nhận thức từ mỗi người và bất bình đẳng giới được xem là nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực trong gia đình. Xã hội vẫn tồn tại những quan niệm bất bình đẳng giới trong gia đình như định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Trong gia đình, người phụ nữ có vị thế và quyền lực không ngang bằng với nam giới, không có quyền tham gia vào các quyết định trong gia đình, vì thế bạo hành phụ nữ, bạo hành trẻ em trong gia đình vẫn phổ biến. Tại không ít gia đình, việc giáo dục con bằng bạo lực vẫn được coi là một phương pháp đúng.
Trẻ em khi chứng kiến bạo lực gia đình tạo thành tâm lý cam chịu khi lớn lên và vô tình hình thành suy nghĩ cho rằng bạo hành gia đình như một biện pháp cần thiết để giải quyết mâu thuẫn gia đình; không tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực và lặp lại những hành vi từng chứng kiến.
Nhiều người với trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật còn thấp nên cho rằng cha mẹ có quyền đánh đập, chửi mắng con cái, chồng có quyền đánh vợ… Nhiều phụ nữ, người già cũng không nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh mà cam chịu bạo lực. Ngay cả những gia đình mà thành viên có trình độ học vấn cao, am hiểu về pháp luật thì bạo lực gia đình cũng vẫn xảy ra.
Các chất kích thích làm giảm sự kiềm chế cũng như nhận thức của bản thân khi nhận định đúng sai, từ đó dẫn đến trạng thái dễ nóng nảy, cau có khó chịu. Lúc đó, chuyện nhỏ cũng hóa thành chuyện lớn và các thành viên trong gia đình dễ dàng xung đột với nhau hơn”.
Theo luật sư Hoàng Tùng, luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về các hành vi bị coi là bạo lực gia đình và các biện pháp xử lý hành vi gây ảnh hưởng tới chủ thể khác.
Bên cạnh các chế tài áp dụng theo quy định của nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này thì bạo hành gia đình nếu để lại hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng chế tài hình sự.
Tuy nhiên, việc xử lý hành vi này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với những trường hợp hành vi không rõ ràng hoặc nạn nhân, người chứng kiến không dám lên tiếng tố giác hành vi đó.
Ngoài ra, luật sư Hoàng Tùng cũng nhận định: “Hành vi bố mẹ đánh đập con cái là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, do đó tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà bố mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người thực hiện hành vi đánh đập con cái xem như vi phạm khoản 3 Điều 6 Luật trẻ em: “bạo lực trẻ em”; sẽ bị xử lý hành chính chịu với mức phạt tiền từ 1.000.000 – 1.500.000, với hành vi gây thương tích cho người trong gia đình theo NĐ 167/2013 hay mức độ nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự theo qui định tại Điều 134 BLHS “Tội cố ý gây thương tích” với mức hình phạt tù từ 6 tháng – 20 năm tùy thuộc vào mức độ thương tích gây ra.
Còn tội hành hạ người khác (căn cứ Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015): Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm đối với người dưới 16 tuổi, người khác không có khả năng tự vệ; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên…
Ngoài ra, nếu vì bị ngược đãi, thường xuyên bị đối xử tàn ác làm người đó tự sát thì có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm tù giam do phạm Tội bức tử quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, khi có hành vi bạo hành con của đối tượng Luân hoàn toàn có thể bị phạt tù do hành vi nguy hiểm dẫn đến phải truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Trước đó, khoảng 21h30 ngày 19/10, sau khi đi nhậu về nhà ở chung cư Mẫu Tâm (phường 5, TP Đà Lạt), Luân nghe vợ nói con trai là cháu N.A.H (10 tuổi) có lấy trộm 100.000 đồng, Luân lập tức dùng tay đánh nhiều lần vào mặt và mông của con trai. Sau đó người cha mất nhân tính này tháo dây thắt lưng bằng da tiếp tục đánh nhiều lần vào lưng, mặt con của mình.
Không dừng lại ở đó, Luân còn bắt cháu H. cởi hết quần áo, quỳ xuống sàn nhà rồi tiếp tục đánh và bắt cháu H. sủa tiếng chó.
Luân bắt cháu H. bò qua bò lại từ căn hộ xuống cầu thang. Dã man hơn, đối tượng còn lấy dây lưng thắt vào cổ cháu H. rồi kéo cháu từ căn hộ ra tới hành lang chung cư, sau đó tiếp tục kéo xuống tầng trệt và ra tận ngoài đường trước sự chứng kiến của vợ Luân và một số người hàng xóm. Điều đáng buồn là không ai ngăn chặn hành động dã man của Luân với cháu bé 10 tuổi.
Tân Trường