Bloomberg: Tàu sân bay Mỹ sẽ thành "phế phẩm" trước tên lửa Triều Tiên
Theo hãng tin Bloomberg, tàu sân bay USS Carl Vinson và các tàu chiến hộ tống dự kiến sẽ có mặt ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong tuần này.
Chúng được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk và các tên lửa chống hạm, máy bay gây nhiễu radar và các phi cơ chiến đấu F/A-18 Super Hornet.
Lính đặc công Triều Tiên diễu binh trong ngày lễ kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (15/4). |
Khả năng chiến đấu của đội tàu này là rất đáng kể, nhưng chúng không thể phòng chống tên lửa đạn đạo một cách hữu hiệu. Điều này có nghĩa là ý định gây sức ép đối với Triều Tiên không tiếp tục chương trình hạt nhân bằng tàu sân bay của Tổng thống Donald Trump đang rất thiếu trọng lượng.
“Một tàu sân bay không thể thay đổi tình hình một cách đột biến”, ông Omar Lamrani, một chuyên gia quân sự thuộc công ty phân tích địa chính trị Mỹ Stratfor cho biết. Theo ông, mặc dù hoạt động của tàu Vinson gây được rất nhiều sự chú ý, song “bản thân nó không thể làm được gì nhiều”.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nóng lên sau khi ông Trump lên tiếng chỉ trích chính quyền ông Kim tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ông Trump tuyên bố vào tháng 1 rằng ông sẽ không để Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có thể bắn tới Mỹ, và vừa qua ông cho biết một đội tàu quân sự đã được triển khai đến khu vực này. Đáp lại, Triều Tiên gọi sự xuất hiện của tàu Vinson là có mục đích “đe dọa” và rằng “một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ xảy ra”.
Tuần này, Bình Nhưỡng đã tiến hành một cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật, trong khi đó tàu ngầm hạt nhân USS Michigan mang 154 tên lửa Tomahawk đã cập cảng thành phố Busan (Hàn Quốc). Dù vậy, Triều Tiên vẫn chưa tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần tiếp theo.
Được biết, các tàu chiến đi cùng tàu USS Carl Vinson là các chiến hạm USS Wayne E.Meyer và tàu USS Michael Murphy cùng các tàu mang tên lửa USS Lake Champlain. Chúng không được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis có khả năng phát hiện các tên lửa đạn đạo tầm xa, hoặc tên lửa đánh chặn SM-3 có thể bắn rơi các tên lửa tầm trung và tầm xa của đối phương. Các tàu chiến của Nhật Bản và Hàn Quốc hiện này cũng không có khả năng phòng vệ trước tên lửa đạn đạo.
Mặc dù chính quyền Obama đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, hệ thống này vẫn chưa thể đi vào hoạt động ngay lập tức. Điều này đồng nghĩa với việc thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cách khu vực phi quân sự 56km về phía Nam và nhiều nơi khác của đất nước dễ bị tấn công.
Tàu sân bay USS Carl Vinson đang đến gần bán đảo Triều Tiên. |
Khi được hỏi về đội tàu sân bay Vinson, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross trả lời qua thư điện tử rằng: “Không có loại vũ khí nào có thể đối phó với mọi mối đe dọa, mà việc triển khai một mạng lưới khí tài quân sự trên bộ và trên biển mới cho phép tiêu diệt tên lửa đối phương”.
Chính quyền Trump cũng có lựa chọn điều động một số tàu chiến có thể ngăn chặn tên lửa đạn đạo, hiện đang đóng tại căn cứ Yokosuka (Nhật Bản).Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ khu vực Thái Bình Dương cũng nhắc đến các tàu chiến này.
“Chúng ta có những tàu phóng tên lửa đạn đạo ở Biển Nhật Bản có thể phòng vệ trước các đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo”, ông Harris phát biểu trước Ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện Mỹ. Ông nói khẳng định rằng đội tàu có thể tự bảo vệ mình trước bất kỳ hình thức tấn công nào.
Ông Bryan Clark, một chuyên gia quân sự trên biển người Mỹ và từng là phụ tá đặc biệt của Tư lệnh Tác chiến Hải quân cho rằng các tàu chiến mang tên lửa này “đã ở vị trí thuận lợi để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung ngoài khơi Biển Nhật Bản, nơi các tên lửa thử nghiệm trước đây của Triều Tiên đã rơi xuống”. “Khi tàu Vinson có mặt ở bán đảo Triều Tiên, nó sẽ không cần yêu cầu thêm các tàu phòng thủ tên lửa”, ông Clark nói thêm.
Triều Tiên đã nhiều lần phóng thử tên lửa trong những năm trở lại đây. |
Tuy nhiên ngay cả các tàu được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis hiện đại cũng không thể bắn rơi tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên ngay lập tức. “Nhiều người tưởng rằng chỉ cần tên lửa đối phương vào tầm bắn, hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ ngăn chặn được nó”, ông David Wright, chuyên gia tên lửa Mỹ cho biết. “Nhưng nó không thể làm vậy. Khi đó tốc độ của tên lửa đối phương đã liên tục tăng lên và Aegis không thể bắn chính xác một mục tiêu nhanh như vậy”.
Các tên lửa Tomahawk của đội tàu USS Carl Vinson có thể tấn công các mục tiêu trên bộ một cách chính xác (bao gồm các hệ thống phòng không) song chúng không được thiết kế để đánh chặn tên lửa hoặc xuyên phá các cơ sở nằm sâu trong lòng đất hay hang động.
Việc ngăn chặn hệ thống phòng không của Triều Tiên được Mỹ rất coi trọng, bởi sự xuất hiện của tàu sân bay Vinson sẽ cho phép các máy bay ném bom B-2 và phi cơ tiêm kích F-22 có thể được triển khai. Các chuyên gia cho biết, tên lửa Tomahawk và các máy bay gây nhiễu điện tử của Mỹ cũng cần phải được triển khai để tấn công hệ thống phòng không Mỹ trước khi oanh kích các mục tiêu quan trọng của Triều Tiên.
Theo nhận định của Stratfor, Triều Tiên hiện đang sở hữu hơn 1.000 tên lửa với tầm bắn và sức công phá khác nhau. Tuy nhiên số dàn phòng của họ lại khá giới hạn, điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên phải cần thời gian nạp tên lửa, qua đó mở ra cơ hội để tên lửa Mỹ tấn công.