Blogger Nguyễn Ngọc Long: “Làm từ thiện rất cần phải PR…”
Trả lời câu hỏi này, cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Người nói rằng từ thiện không cần PR, làm đúng cái tâm của mình... Từ quan điểm này mà những người làm từ thiện mà PR hoặc làm từ thiện để PR liền bị "ném đá" tơi bời.
Nhưng cũng có quan điểm khác, nếu làm từ thiện mà không PR chỉ giúp người khác một, nếu PR thì giúp được người khác 10. Và nếu không PR, không công bố tặng bao nhiêu, ai muốn đóng góp cho hoạt động từ thiện nữa.
![]() |
Hình ảnh hài kịch lên án thói dởm đời của người có động cơ mục đích xấu khi từ thiện. Nhưng đó là cá biệt, không phải vì nhóm người này mà lên án tất cả những cuộc từ thiện mà PR. Ảnh cắt từ clip truyền hình |
Trước những câu hỏi này. PV Infonet đã phỏng vấn Blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long- người tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện và cũng là người cũng áp dụng nhiều biện pháp truyền thông để làm từ thiện.
Thưa anh, mới đây, cộng đồng mạng xôn xao về bức ảnh người phụ nữ cười khi trao quà từ thiện cho Đậu Thị Huyền Trâm, nhiều người đặt câu hỏi làm từ thiện có cần phải PR không. Nếu được hỏi câu này, anh sẽ trả lời thế nào?
Câu này tôi trả lời rất nhiều lần rồi, và quan điểm của tôi thống nhất trước sau như một, đó là làm từ thiện rất cần phải PR. Càng PR nhiều, càng lôi kéo được nhiều sự quan tâm của cộng đồng thì hiệu ứng càng lan toả.
Việc này có hai cái lợi, đó là đơn vị bỏ tiền bỏ công ra làm từ thiện họ có cái lợi về truyền thông (nếu cần); còn với cá nhân hay tập thể cần giúp đỡ, họ cũng được nhiều người biết tới hơn. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ PR như thế nào để không bị hiệu ứng ngược mới khó.
Được biết, gần đây, anh đã kêu gọi mọi người ủng hộ cháu bé con chiến sĩ lính biển không có hậu môn (con chiến sĩ Hải Quân) bằng cách kêu gọi mọi người chia sẻ, like... và mỗi like, chia sẻ anh ủng hộ một số tiền nhất định. Vậy anh có thể lý giải việc chia sẻ như vậy có ý nghĩa gì?
Sở dĩ tôi kêu gọi mọi người likes và shares bài viết rồi cá nhân tôi ủng hộ tiền theo con số tổng tương tác, là vì tôi cảm thấy hoàn cảnh của em bé và câu chuyện mà cá nhân tôi viết không đủ chạm đến tình cảm của cộng đồng một cách tự nhiên. Tức là tôi cảm thấy chưa đủ tự tin với bài viết kêu gọi "xin tiền" của cá nhân mình, trong khi tôi thực sự mong muốn cộng đồng chung tay với hoàn cảnh em bé thiếu may mắn này. Tức là, nếu một hoàn cảnh khác mà tôi thấy không quá "nguy cấp", hoặc họ có một câu chuyện tự thân nó đã lay động và khơi gợi được tình cảm của mọi người thì tôi cũng không cần phải kêu gọi share bài tặng tiền như vậy.
Bởi vì, có những hoàn cảnh không thực sự "khó khăn" nhưng câu chuyện của họ lại dễ gây tác động, và ngược lại. Tôi làm từ thiện, đi kêu gọi quyên góp này kia thì góc nhìn của tôi hoàn toàn giống như một thương vụ kinh doanh thuần tuý. Tôi có mục tiêu và có cách triển khai. Tôi phải đặt ra câu hỏi, người ta sẽ đóng góp tiền cho mình hoặc chung tay lan toả thông tin giúp mình vì lý do gì và để đạt được điều gì?
Câu trả lời thường là vì họ muốn thoả mãn lòng trắc ẩn và cảm thấy mình đang làm một việc thực sự có ý nghĩa. Trong trường hợp cụ thể mà anh hỏi, tôi cho họ thêm một lý do, đó là "chia sẻ cho thằng chủ thớt bị mất tiền". Như vậy, tôi đã mở rộng được gấp đôi tệp công chúng tham gia vào câu chuyện, bao gồm cả người giàu lòng trắc ẩn và những người hiếu kỳ khác nữa.
![]() |
Kết quả vận động quyên góp tiền lỳ xì cho cháu bé không hậu môn (con chiến sĩ Hải Quân) mà Nguyễn Ngọc Long đã thực hiện trên Facebook. Ảnh trên trang cá nhân của Nguyễn Ngọc Long. |
Thế còn những người vừa làm từ thiện vừa PR cho một thương hiệu nào đó thì có đáng phải bị lên án không?
Thôi thì tuỳ quan điểm của mỗi người. Với cá nhân tôi thì cái gì cũng có hai mặt cả, ăn thua là chúng ta nhìn vào mặt nào để ra quyết định. Tôi thường nghĩ, họ làm từ thiện là tốt, có người được hưởng cái tốt đấy từ việc làm của họ. Cho nên tôi không lên án.
Tôi chỉ xin lưu ý rằng, tuy mình ủng hộ cái kết quả mà họ tạo ra để không lên án, nhưng nhiều khi cái mặt "chưa tốt" của việc làm đó khiến cộng đồng quay lưng, phản ứng tiêu cực hoặc mất lòng tin chung vào công việc từ thiện của nhiều đơn vị khác thì cần phải được làm rõ. Trong trường hợp này, tôi sẽ phê phán cái mặt chưa tốt đó, nhưng không phủ nhận mặt tốt mà họ đã làm.
Anh có sợ rằng, vì sợ bị ném đá mà người làm từ thiện bằng cái tâm và người làm từ thiện kèm PR sẽ ngần ngại dừng làm từ thiện không?
Tôi nghĩ có ba nhóm người tham gia làm từ tiện. Nhóm một là làm vì cái tâm thực sự. Khi cái tâm của họ quá lớn rồi, họ có bị u đầu sứt trán vì ném đá thì họ vẫn sẽ làm, làm đến cùng. Vì không làm nữa họ sẽ bứt rứt, ăn không ngon ngủ không yên, không làm là không chịu được. Cái gì đúng họ giữ nguyên, cái gì vô tình chưa đúng họ đón nhận góp ý theo hướng tích cực và hoàn thiện. Như vậy, chẳng ảnh hưởng gì.
Nhóm thứ hai là những người làm vì một mục đích khác là chính chứ không phải vì cái tâm. Vậy khi bị ném đá này kia, họ sẽ cân nhắc cái lợi và cái hại, xem xem mục tiêu mình đặt ra lúc đầu có còn đạt được? Tôi cho rằng nhóm này là nhóm dễ bị ảnh hưởng và ngưng làm nhiều nhất.
Nhóm thứ ba là những người cũng có cái tâm hướng thiện, nhưng chưa đạt đến mức thượng thừa. Tôi gọi họ là những người phân vân ở giữa, họ giống như một em bé tập đi tập chạy và dễ bị ảnh hưởng. Nếu bị ném đá quá nhiều, tôi sợ rằng nhóm này cũng từ bỏ công việc tốt đẹp mà họ định làm.
Tựu chung lại, việc ném đá sẽ gây ra hại nhiều hơn lợi. Cho nên cộng đồng nên cư xử một cách văn minh, góp ý để giúp người ta nhìn ra cái chưa tốt, khắc phục và phát triển chứ đừng ném đá ầm ầm không suy nghĩ.
Vậy theo anh, xã hội nên nhìn nhận thế nào về từ thiện để PR, PR để từ thiện và từ thiện không tiếng nói?
PR không có gì là xấu. Làm từ thiện hoặc tham gia các hoạt động xã hội để làm PR cũng không xấu. Ngược lại, đó gần như là một trong số các hoạt động mặc nhiên của các doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp lớn và các tập đoàn đa quốc gia.
Do mọi người còn mang định kiến quá nặng nề về việc "từ thiện thì phải lẳng lặng mà làm", rồi báo chí truyền thông cũng hay tung hô những "tấm gương" làm từ thiện trong im lặng, chẳng nói gì. Những trường hợp như vậy được ca ngợi như thánh sống, như thần tiên giáng thế, như những tấm gương sáng điển hình cần được noi theo.
Chính những câu chuyện như vậy, tưởng là tốt, nhưng lại làm định kiến thêm nặng nề. Vì người đọc sẽ mặc nhiên cho rằng làm từ thiện trong im lặng được ca ngợi và vinh danh, thì tức là làm từ thiện kèm trống giong cờ mở là xấu xa, là đáng lên án và cần khinh bỉ.
Xin cảm ơn anh!