Bình Nhưỡng thề sẽ "trả đũa" Liên Hiệp Quốc
Hôm 20/11, Triều Tiên tiếp tục các cuộc “đấu khẩu” gay gắt chống lại việc thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong đó lên án hồ sơ nhân quyền của Quốc gia này. Không chỉ thế, Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa một vụ thử hạt nhân mới.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Kim Jong Un đã mang lại những biến chuyển to lớn cho Triều Tiên |
Trước đó (ngày 18/11), một ủy ban của Liên Hiệp Quốc đã phê duyệt nghị quyết lên án các hành vi vi phạm nhân quyền "có hệ thống, trên diện rộng, có tính lâu dài và liên tục". Đây là kết quả cuộc điều tra mà Ủy ban đã công bố vào tháng Hai.
Kể từ năm 2005, Ủy ban đã thông qua một nghị quyết về việc giải quyết tình hình phát sinh trên toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, lần này Ủy ban đã thực hiện một cuộc kêu gọi chưa từng có tiền lệ trước đây, trong đó yêu cầu Hội đồng Bảo an đưa vấn đề này ra Tòa án Hình sự Quốc tế và áp dụng biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Chính động thái này đã làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ Bình Nhưỡng.
Triều Tiên gọi động thái này là một "vụ lừa đảo chính trị" nhằm hợp thức hóa một vụ "can thiệp vũ trang". Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đưa ra một trích dẫn từ vụ việc liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện vụ đánh bom vào Nam Tư năm 1999.
Hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy hơi nước bốc lên từ một lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên |
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên dẫn lời một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết: "Chúng tôi sẽ trừng phạt nghiêm khắc và bác bỏ hoàn toàn nghị quyết “sặc mùi cực đoan” có bàn tay dàn dựng của Mỹ".
"Hành động đầy thù địch của Mỹ khiến cho chúng tôi không thể kiềm chế thêm nữa việc tiến hành một vụ thử hạt nhân mới. Chúng tôi sẽ tăng cường mọi biện pháp có thể nhằm ngăn chặn âm mưu của Mỹ về một vụ can thiệp vũ trang và xâm lược."
Ông Choe Myong Nam, Phó Đại sứ của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, nói với Ủy ban rằng nghị quyết này là kết quả của sự đối đầu, âm mưu chính trị và quân sự nhằm chống lại chính phủ của ông.
Ông cho biết báo cáo phúc trình của Ủy ban điều tra đầy rẫy những "lời khai ngụy tạo" từ một số ít những kẻ tội phạm đào thoát ra nước ngoài. Ông cáo buộc Mỹ và các đồng minh đứng đằng sau một chiến dịch chống lại Bình Nhưỡng, và ông cũng lên tiếng đe dọa nối lại các vụ thử hạt nhân bị quốc tế cấm.
Ông nói thêm: "Các chiến dịch nhân quyền thái quá và vô lý mà Mỹ và đồng bọn mình thực hiện nhằm tiêu diệt hệ thống nhà nước và xã hội của CHDCND Triều Tiên đã khiến chúng tôi không kiềm chế thêm nữa trong việc tiến hành vụ thử hạt nhân mới".
Trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã có những động thái chính trị đối phó với một nghị quyết lên án hồ sơ nhân quyền của mình, mà tác giả đứng đằng sau “giật dây” nghị quyết này chủ yếu là Liên minh châu Âu và Nhật Bản.
Ông cũng cho biết thêm, trong một cuộc họp chưa từng có tiền lệ với các quan chức cấp cao của Triều Tiên hai tuần trước diễn ra tại New York, ông Marzuki Darusman, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, đã được yêu cầu loại bỏ hai câu nhạy cảm trong nghị quyết. Hai câu này đề cập đến trách nhiệm giải trình trước tòa án tối cao và Tòa án hình sự Quốc tế của các quan chức hàng đầu Bình Nhưỡng. Đổi lại, ông Darusman được mời tới thăm Bình Nhưỡng.
Nhưng ông Darusman cũng nhấn mạnh rằng Triều Tiên cần phải đồng thời theo đuổi vấn đề hợp tác cũng như có trách nhiệm giải trình nhằm củng cố chế độ và thúc đẩy nhân quyền.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Asia News Network (ANN), một mạng lưới bao gồm 21 nhóm phương tiện truyền thông ở các thành phố châu Á, nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác và tối ưu hóa vùng phủ sóng của sự kiện tin tức lớn trong khu vực.