Binh lính Triều Tiên tạm gác súng để ... trồng lúa
Hình ảnh chiến sĩ Triều Tiên tham gia lao động sản xuất nông nghiệp gần khu DMZ hôm 24/4 |
Bên ngoài khu vực hàng rào dây thép gai, những khuôn mặt chiến sĩ Triều Tiên rắn rỏi tạm dời xa cây súng trên tay hôm 24/4 để cùng sánh vai với người nông dân trên trận chiến mới: "vụ xuân".
Trong khi quân đội của các quốc gia láng giềng vẫn luôn được đặt trong tình trạng cảnh báo cao trước khả năng Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ 4 hoặc phóng tên lửa bất cứ khi nào như dự đoán của giới quan chức Mỹ và Hàn Quốc thì tại vùng biên giới của Triều Tiên, các binh sĩ lại đang hăng hái tham gia sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, bắp cải và đậu tương. Khắp các thôn xóm nằm dọc vùng DMZ là hình ảnh các binh sĩ Triều Tiên xắn quần, lội bùn, giúp đỡ người dân trồng trọt trong vụ xuân.
Tuy nhiên, bên trong khu DMZ, hàng trăm binh lính Triều Tiên vẫn đang diễu binh trong tư thế ba lô khoác trên vai. Trên đỉnh đồi tại tỉnh Hwanghae, thượng tá Kim Chang Jun cho biết các binh sĩ Triều Tiên đã được điều động tới nhiều trang trại nhưng vẫn sẵn sàng chiến đấu nếu có hiệu lệnh.
"Nhìn từ bên ngoài, không khí khá thanh bình với hình ảnh người nông dân cày bừa trên đồng, trẻ em tung tăng tới trường. Nhưng chúng tôi vẫn trong tư thế chiến tranh. Các binh sĩ có thể làm nông cho tới tận đêm nhưng sẽ quay trở về doanh trại ngay sáng sớm hôm sau nếu có hiệu lệnh và sẵn sàng xông ra mặt trận", ông Kim nói.
Tiến về khu phía tây, bên trong Khu An ninh chung – trung tâm của DMZ, không khí căng thẳng quân sự vẫn đang bao trùm nơi vốn được dùng để phân chia ranh giới giữa 2 miền Triều Tiên. Đây cũng chính là nơi du khách thăm quan có thể nhìn thấy các chòi canh, hàng cây thông, hoa anh đào cùng lực lượng xe tăng nằm trong tầm quan sát 4 km. Trái với sự thanh thản của binh sĩ Triều Tiên, binh lính Hàn Quốc vẫn luôn được đặt trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng chiến đấu.
Những du khách thăm quan khu DMZ từ Hàn Quốc được phép tới tòa nhà Panmungak do Bình Nhưỡng xây dựng. Theo Trung tá Nam Dong Ho của Triều Tiên, do tình hình chiến sự căng thẳng nên khách thăm quan không được phép tiến vào 2 hội trường họp sơn màu xanh nằm giữa khu vực biên giới của 2 nước. Song họ vẫn được thăm quan các phòng họp – nơi binh sĩ 2 miền thường đứng gác.
"Viễn cảnh chiến tranh luôn hiển hiện trong tâm trí của các binh sĩ đóng quân tại khu phi quân sự căng thẳng nhất thế giới (DMZ). Chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng nếu đế quốc Mỹ vẫn cố tình khiêu khích, chúng tôi sẽ đáp trả bằng một cuộc chiến hạt nhân", ông Nam chia sẻ.
Kể từ đầu tháng 3, Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa tiến hành chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên song những ngày gần đây, tình hình đã có vẻ lắng xuống. Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã yêu cầu các binh sĩ chịu trách nhiệm triển khai hệ thống tên lửa luôn trong tư thế sẵn sàng và giới chức quân đội nước này đang làm nhiệm vụ tại khu vực biên giới phải cắt đứt liên lạc với quân đội Hàn Quốc.
Thái độ cứng rắn của Triều Tiên xuất phát từ việc Liên Hiệp Quốc áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng kể từ sau vụ phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 12 năm ngoái và vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng 2 – hành động vi phạm quy định của Hội đồng Bảo an. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng hết sức phẫn nộ trước các tập trận chung thường niên giữa quân đội Mỹ - Hàn Quốc với việc triển khai máy bay ném bom và chiến đấu cơ rầm rộ bất thường.
Giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho rằng việc Triều tiên dịch chuyển hệ thống tên lửa tới khu bờ biển phía đông nước này bao gồm loại tên lửa tầm trung nhằm tấn công tới lãnh thổ Mỹ song chưa có dấu hiệu về thời điểm vụ phóng được tiến hành.
Khi được hỏi về kế hoạch phóng tên lửa của Triều tiên, trung tá Nam khẳng định không biết chính xác thời điểm. "Đây là bí mật quốc gia, bí mật hàng đầu trong các bí mật. Nhưng chúng tôi có thể chắc chắn rằng quân đội của chúng tôi có thể tấn công tới bất cứ khu vực nào trên Trái đất", ông Nam nói.
Trong bối cảnh các nhà ngoại giao tìm mọi cách hạ nhiệt căng thẳng và thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ thái độ khiêu chiến, trong 2 cuộc phỏng vấn riêng biệt hồi tuần này, cả trung tá Nam và thượng tá Kim đều khẳng định người dân Triều Tiên mong muốn hòa bình. Nhưng Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân bởi nó là vũ khí để chống lại các quốc gia hùng mạnh như "đế quốc Mỹ". "Nếu chiến tranh hạt nhân bùng nổ, cái chết và sự phá hủy là điều vô cùng đau lòng. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác nếu bị tấn công", ông Kim nhận định.
Hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn được tiến hành trong những năm qua kể từ thời điểm vòng đám phán 6 bên đề nghị viện trợ cho quốc gia cô lập nhằm giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vào năm 2009.
Sau khi đóng cửa nhà máy sản xuất plutonium năm 2008, hồi tháng trước, Bình Nhưỡng đã thông báo tái khởi động các cơ sở hạt nhân và tiếp tục làm giàu uranium. Theo giới chuyên gia, hành động này giúp Triều Tiên đạt tới bước thứ 2 trên con đường phát triển bom hạt nhân. Trong khi đó, hồi tháng 3, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố những chiến lược trọng tâm quốc gia trong đó nhấn mạnh tới việc theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân bên cạnh việc mở rộng kinh tế.
Thượng tá Kim từng nhận định vũ khí hạt nhân là "sinh tồn" của Triều Tiên. "Nếu chúng tôi không sở hữu vũ khí hạt nhân, chúng tôi sẽ tiếp tục bị các thế lực bên ngoài đe dọa".
Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, các binh sĩ tạm gác cây súng trên tay để tập trung sản xuất nông nghiệp. Bởi nền nông nghiệp yếu kém đang ảnh hưởng tới 24 triệu dân Triều Tiên mà theo báo cáo từ Liên Hiệp Quốc, 2/3 dân số tại quốc gia cô lập thường xuyên phải đối mặt với cảnh thiếu thốn lương thực.