Bình Định xác định 5 trụ cột chính để phát triển
Bình Định duy trì đà tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, phát huy tiềm năng, tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường…
Trong giai đoạn 5 năm tới, Bình Định xác định 5 trụ cột chính để phát triển, gồm: công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Bình Định tập trung vào 3 khâu đột phá, gồm: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định.
Bình Định xác định 5 trụ cột chính để phát triển |
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao. Thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh, nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh…
Tổng sản phẩm của địa phương (GRDP) giai đoạn 2015 – 2020 tăng 6,4%, Bình Định là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP khá trong khu vực miền Trung. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng, giá trị tăng thêm tại các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và giảm dần đối với ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá toàn diện, với giá trị tăng thêm trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 5 năm ước đạt 4,04%. Đến nay, năng suất lúa Đông Xuân đạt khoảng 70,4 tạ/ha; riêng năng suất lúa tại các cánh đồng mẫu lớn đạt từ 75 - 100 tạ/ha…
K.Chi