Biểu tình dữ dội sau cái chết của 112 công nhân xưởng may
Hàng ngàn công nhân xuống đường biểu tình sau cái chết của 112 công nhân trong vụ hỏa hoạn xưởng may ngày 24/11 |
Những người biểu tình ném đá vào khu vực các nhà máy và đập phá xe cộ, đòi công lý cho 112 công nhân xấu số cũng như yêu cầu nâng cấp tình trạng mất an toàn lao động trong các nhà máy công nghiệp tại Bangladesh vốn sản xuất phần lớn hàng hóa cho các đại lý bán lẻ trên khắp thế giới.
Ngay trong sáng 26/11, một vụ cháy khác tại khu xưởng may cao tầng tại ngoại ô Dhaka cũng đã bùng phát. Tuy nhiên, đám cháy đã được kiểm soát kịp thời và hiện chưa có con số báo cáo thương vong.
Khoảng 200 nhà máy tại Bangladesh đã buộc phải đóng cửa vào ngày hôm qua sau khi một cuộc biểu tình bùng phát tại Savar – cụm công nghiệp xảy ra vụ hỏa hoạn lớn cướp đi sinh mạng của 112 người hôm thứ Bảy (24/11). Trong đó, đám đông biểu tình đã chặn con đường cao tốc dẫn vào khu công nghiệp.
Hôm nay (27/11), chính phủ Bangladesh sẽ tổ chức ngày quốc tang để tưởng niệm những công nhân vắn số.
Giám đốc điều hành Cục Chữa cháy - Maj. Mohammad Mahbub cho biết các nhà điều tra nghi ngờ nguyên nhân vụ cháy hôm 24/11 là do sự cố chập mạch điện. Song, chính tình trạng thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn lao động tại 8 tầng của xưởng may đã đẩy số người thiệt mạng lên tới 112 người.
Hiện trường vụ cháy xưởng may ngày 24/11 |
Lực lượng cứu hỏa đã tìm thấy ít nhất 100 thi thể trong khu nhà máy và 12 người khác chết trong bệnh viện sau khi nhảy khỏi tòa nhà để thoát thân. Tuy nhiên, giới truyền thông địa phương lại thông báo số người chết trong vụ hỏa hoạn này là 124 người.
Vụ cháy hôm 24/11 là sự kiện tang thương mới nhất xảy ra tại Bangladesh song những mối nguy hiểm tiềm ẩn vẫn đeo bám cuộc sống của hàng ngàn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đang mọc lên như nấm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa từ các nhà bán lẻ khắp thế giới như Walmart, Carrefour và IKEA.
Kể từ năm 2006, ít nhất 500 người đã bị thiệt mạng trong các vụ tai nạn xưởng may. Trên toàn lãnh thổ Bangladesh hiện có khoảng 4.000 xưởng may. Trong đó phần lớn các nhà máy này không được trang bị thiết bị đảm bảo an toàn lao động. Mỗi năm, Bangladesh thu được khoản tiền trị giá 20 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu và sản phẩm may mặc mà chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu.