Biển Hoa Đông 'phập phồng' trước nguy cơ đại chiến Nhật - Trung
Theo một phi công kì cựu của Nhật Bản, kịch bản dẫn đến việc bùng nổ cuộc chiến tranh Nhật - Trung có thể sẽ rất đơn giản: Hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản được điều động sau khi một máy bay Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo hai nước đang tranh chấp. Một chiếc F-15 dẫn đầu còn chiếc kia đóng vai trò yểm trợ. Hai máy bay này đưa ra các tín hiệu cảnh báo yêu cầu máy bay Trung Quốc rời khỏi khu vực này nhưng lời cảnh báo bị phớt lờ. Các phi công Nhật Bản xem xét tới phương án cuối cùng: bắn cảnh cáo – một động thái mà có lẽ sẽ bị Bắc Kinh coi là một hành động gây chiến.
Cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn diễn ra rất căng thẳng. |
“Trung Quốc có thể sẽ rất tức giận. Họ sẽ coi đó là hành động gây chiến mặc dù theo luật pháp quốc tế thì không phải như vậy”, người cựu phi công nhận xét về kịch bản đối đầu trên không phận quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong những tháng vừa qua, cuộc tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư leo thang tới mức cả hai bên đã điều máy bay chiến đấu ra không phận đồng thời điều tàu tuần tra ra vùng biển quanh quần đảo này.
Tháng trước Tokyo tuyên bố rằng theo luật lệ quốc tế, các phi công Nhật có quyền bắn cảnh cáo những kẻ xâm phạm không phận của nước này, một hành động mà Nhật Bản mới chỉ thực hiện đúng một lần kể từ sau Chiến tranh thế giới II.
Do lo ngại rằng trò chơi “mèo vờn chuột” này giữa các máy bay và tàu tuần tra của hai nước có thể vô tình gây ra một cuộc xung đột nên hai nước Nhật – Trung đang nỗ lực làm giảm căng thẳng và có thể sẽ tiến hành một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo cấp cao nhất.
“Rất có khả năng hai bên cuối cùng sẽ tìm ra công thức để giữ thể diện cho mình và rút lui khỏi tình trạng này”, chuyên gia Andy Gilholm từ hãng tư vấn Kiểm soát rủi ro bình luận.
“Tuy nhiên tôi cho rằng động thái đó chỉ mang tính nhất thời. Dường như không có mấy khả năng hai bên sẽ tìm được cách dàn xếp cho lâu dài và thậm chí ít có khả năng hai bên sẽ dẹp vấn đề này sang một bên. Vì thế chúng tôi vẫn đang tư vấn cho các khách hàng của mình rằng xích mích này là một phần của cơn bão mới và cơn bão này sẽ không nhanh chóng qua đi”, ông Gilholm nói.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật Bản chịu tổn thất lớn do tình trạng thương mại với Trung Quốc giảm sút sau các cuộc biểu tình chống Nhật vào tháng 9 năm ngoái và đầu tư ở Trung Quốc sẽ gặp nguy cơ nếu tình trạng đối đầu tiếp diễn và tồi tệ hơn, hai quốc gia chịu sức ép phải tìm ra một giải pháp nào đó.
Trong những tuần vừa qua, một loạt các chính trị gia Nhật Bản trong đó đối tác liên minh với đảng của ông Abe đồng thời là cựu thủ tướng Nhật Tomiichi Murayama – một nhân vật cánh tả vào năm 1995 đã đưa ra lời xin lỗi lịch sử về thời kỳ chiến tranh của Nhật Bản – đã đến thăm Bắc Kinh.
“Các chuyến thăm này đang được truyền thông Trung Quốc đưa tin khá rõ ràng. Trung Quốc đang truyền thông điệp tới dư luận trong nước rằng đã đến lúc phải thử cái gì đó mới”.
Ông Abe, người đã quay trở lại vị trí quyền lực nhất Nhật Bản sau cuộc tổng tuyển cử tháng 12 năm ngoái, tuyên bố ông sẵn sàng cho một cuộc họp Nhật - Trung cấp cao nhất. Có thể ông Masahiko Komura, Phó chủ tịch đảng LDP của Thủ tướng Abe, sẽ tới thăm Trung Quốc để mở đường cho cuộc họp giữa ông Abe và ông Tập Cận Bình nhưng cuộc họp sẽ không diễn ra cho tới khi ông Tập chính thức trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3 tới.
Khi lần đầu tiên trở thành Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã sớm hành động nhằm cải thiện mối quan hệ Nhật – Trung và các chuyên gia cho rằng có thể ông sẽ có hành động tương tự, giống như cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đến thăm Trung Quốc vào năm 1972 để bình thường hóa mối quan hệ Trung – Mỹ.
Tuy nhiên, việc mở đường cho cuộc họp thượng đỉnh Nhật – Trung đòi hỏi ngoại giao phải hết sức khéo léo.
“Cả hai bên đều muốn hạ nhiệt nhưng họ không muốn bị các nhân vật theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở nước họ nhìn nhận là những người mềm yếu”, cựu phi công Nhật và hiện nay là một chuyên gia về các vấn đề an ninh trong khu vực, nhận xét.
Ngay cả khi các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước gặp nhau thì rất có thể Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ bằng cách rút lui tàu và máy bay tuần tra khỏi khu vực quanh Senkaku và Tokyo cũng sẽ không chấp nhận rằng quần đảo này đang bị tranh chấp.
Trong những tháng vừa qua, Lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản thường xuyên phải điều tàu ra “xua đuổi” tàu hải giám Trung Quốc tại vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư. |
Trong năm qua, cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo này đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, nhưng việc Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động thách thức quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo này và quyết định đáp trả của Nhật đã đẩy nguy cơ đối đầu lên mức mới.
Từ tháng 4 tới tháng 10 năm ngoái, Nhật Bản đã điều máy bay chiến đấu ra không phận quanh Senkaku 160 lần, tần suất lơn hơn tổng 12 tháng trước đó và kể từ ngày 13/12 khi máy bay tuần tra Trung Quốc tiến vào không phận quanh quần đảo này thì tần suất máy bay chiến đấu được điều ra tăng lên gấp 8 lần.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết nước này có thể sẽ bắn cảnh cáo bằng đạn lửa, một hành động mà Nhật Bản chỉ làm một lần kể từ Chiến tranh thế giới lần 2 khi máy bay của Liên Xô xâm phạm không phận quần đảo Okinawa.
Vụ việc đó đã được giải quyết khi Mátxcơva lên tiếng xin lỗi nhưng có lẽ lần này lịch sử sẽ không lặp lại.
Một nguy cơ khác là tàu tuần tra Trung Quốc và Nhật Bản có thể sẽ đụng độ ở vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư hoặc một con tàu Trung Quốc chở các nhà hoạt động đổ bộ lên quần đảo này.
Nhật Bản có lẽ vẫn nhận định căng thẳng còn tiếp diễn khi Bộ Quốc phòng nước này đang cân nhắc điều động các chiến đấu cơ F-15 và các máy bay tuần tra ra một quần đảo khác sát Senkaku/Điếu Ngư để có thể nhanh chóng đối phó với các tàu và máy bay Trung Quốc.
“Ít nhất đã có các nỗ lực giải quyết tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn hiện hữu”, nhà cựu ngoại giao Nhật Bản Hitoshi Tanaka, lãnh đạo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Tokyo, bình luận.