Biên giới phía Bắc 1979: 30 ngày không thể nào quên (2)
Lời Tòa soạn:
Đã 36 năm trôi qua nhưng ký ức của hàng triệu người dân Việt Nam về một trang sử hào hùng của Tổ quốc, ký ức về sự hy sinh của hàng ngàn đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương khởi đầu từ ngày 17/2/1979 ... vẫn chưa hề phai mờ. Nhắc lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 với 30 ngày khốc liệt để hậu thế chúng ta thêm hiểu hơn về lịch sử của đất nước, để tôn vinh những người con ưu tú đã ngã xuống giống như chúng ta vẫn thường tôn vinh những anh hùng, liệt sỹ của những khác trong suốt thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc.
Với mong muốn giúp cho độc giả có một cái nhìn khái quát nhất nhưng toàn cảnh nhất về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979, Infonet xin giới thiệu loạt bài viết được chắt lọc, tham khảo và tổng hợp từ các tài liệu, sách báo đã từng được xuất bản như:
Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân Quân khu 1 và 2;
Lịch sử các quân đoàn 1, 2, Binh đoàn Pắc Bó;
Lịch sử các sư đoàn 3, 316, 337, 338, 346, 395;
Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Lạng Sơn, thị xã Cao Bằng; Lịch sử Bộ đội Biên phòng
Lịch sử Dẫn đường Không quân
Lịch sử Pháo binh QĐNDVN
Báo Quân đội Nhân dân tháng 2 và 3-1979
China’s Aggression: How and Why It Failed – Nguyen Huu Thuy
Chinese Military Strategy In The Third Indochina War - Edward C. O’Dowd
China’s War With Vietnam 1979 – King C. Chen
------------------------------
Pháo binh trên mặt trận Quảng Ninh |
Bài 2: Diễn biến cuộc chiến trên các mặt trận chính
Trên mặt trận Lai Châu
Trên mặt trận Lai Châu, quân Trung Quốc chia thành hai mũi tiến công. Mũi chủ công đảm nhiệm tiến công Ma Ly Pho, Pa Nậm Cúm vào ngã ba Phong Thổ. Mũi thứ hai tiến công từ Huổi Luông, Pa Tần (Sìn Hồ). Ngoài ra địch còn sử dụng một lực lượng đánh chiếm khu vực bắc Dào San và Mù San (Phong Thổ).
Từ ngày 17-2 địch bắt đầu thực hành tấn công vào các điểm cao 1562 Mù San, 1112 Ma Ly Pho, Hoàng Thểm, Khao Chải, điểm cao 262… cùng một số vị trí khác do Trung đoàn 741 và 193, Tiểu đoàn 2 Sìn Hồ, đồn biên phòng Ma Lù Thàng, Si Lờ Lầu, A Pa Chải… bảo vệ. Đến ngày 19-2 đối phương chiếm các vị trí này và tiến xuống ngã ba Nậm Cáy, Mô Sy Câu, ngã ba Pa So và bắc Pa Tần. Lực lượng ta chặn đánh quyết liệt nhưng đến 24-2 địch làm chủ các mục tiêu trên và tiếp tục tăng cường lực lượng để đột phá tiếp.
Lực lượng vũ trang Lai Châu chiến đấu |
Trước tình hình này, Bộ tư lệnh Quân khu 2 điều động lực lượng của Trung đoàn 98 Sư đoàn 316 và Trung đoàn 46 Sư đoàn 326 tăng cường cho khu vực phòng thủ Pa Tần và tổ chức phản công đánh chiếm lại một số vị trí. Tại đây chiến sự diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng điểm chốt như ở cao điểm 805, 551 hay 553 bắc Pa Tần. Sau nhiều đợt tiến công liên tục, ngày 3-3, quân Trung Quốc chiếm được thị trấn Phong Thổ, Pa Tần và đến 5-3 chiếm được Dào San. Đến 10-3 trên mặt trận Lai Châu địch rút về bên kia biên giới.
Kết thúc đợt chiến đấu này đã có 11 cá nhân và 6 đơn vị chiến đấu trên hướng Lai Châu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Trên mặt trận Quảng Ninh
Trên hướng Quảng Ninh, ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc huy động một bộ phận địa phương quân, biên phòng, dân binh của tỉnh Quảng Tây tiến đánh một số trận địa phòng ngự do các đơn vị thuộc Trung đoàn 41 và 288 Sư đoàn 325B, Trung đoàn 43 và 244 bộ đội địa phương, Đồn biên phòng Pò Hèn… đảm nhiệm ở khu vực Hoành Mô, Đồng Văn (Bình Liêu), Thán Phún (Hải Ninh) và pháo kích vào thị xã Móng Cái. Trong các trận tiến công này địch chiếm được bình độ 300, đồn Pò Hèn và điểm cao 1050 Cao Ba Lanh nhưng đến chiều 19-2 ta phản kích khôi phục lại trận địa.
Ngày 26-2, địch mở đợt tiến công mới nhằm vào khu vực chốt của Trung đoàn 288 Sư đoàn 325B ở điểm cao 1050, 585, đồi Cây Xanh, đồi Không Tên… và ngày 28-2 đánh vào trận địa Trung đoàn 41 Sư đoàn 325B ở điểm cao 500, 600, 781, đồi Khẩu Hiệu… Các đợt tiến công này đều bị đánh bại.
Ngày 28-2, Tư lệnh Quân khu 1 quyết định thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Quảng Ninh do Thiếu tướng Nguyễn Sùng Lãm mới được cử về làm Phó tư lệnh quân khu đứng đầu.
Ngày 1-3, quân Trung Quốc đồng loạt tiến công vào các điểm tựa của Trung đoàn 41 và 288 Sư đoàn 325B, Tiểu đoàn 130 Bình Liêu, Đồn biên phòng Hoành Mô, Đồng Văn, Móng Cái và Đại đội 6 công an vũ trang… chiếm được đồn Hoành Mô và một phần điểm cao 600 và 781 nhưng bị chặn lại trên các hướng khác. Ngày 4-3, địch tập trung đánh chiếm điểm cao 1050 nhưng một lần nữa bị đẩy lui với thiệt hại nặng nề. Cũng trong ngày hôm đó Trung đoàn 41 Sư đoàn 325B phản kích lấy lại điểm cao 600 và 781. Đến đây, mọi nỗ lực tấn công vào tuyến biên giới Quảng Ninh của Trung Quốc đều bị bẻ gãy.
Ngày 5-3, Bắc Kinh tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Chiến sự trên hướng Quảng Ninh tạm thời lắng xuống. Trong đợt chiến đấu này, 2 cá nhân và 5 đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Trên mặt trận Hà Tuyên
Hà Tuyên là hướng phối hợp, địch không tiến công lớn mà chỉ sử dụng biên phòng và dân binh tỉnh Vân Nam đánh vào các chốt của ta ở xã Thượng Phùng, Lũng Làn (Mèo Vạc), Lũng Cú, Ma Ly (Đồng Văn), Nghĩa Thuận (Quản Bạ), Thanh Thủy, Lao Chải (Vị Xuyên), Bản Păng, Bản Máy (Xìn Mần), Na Khê (Yên Minh). Tại đây bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ đã phối hợp chặn địch. Ngoài ra lực lượng vũ trang Hà Tuyên còn chủ động tổ chức một số trận đánh ngay vào vị trí xuất phát tiến công của đối phương như trận đánh ngày 23-2 của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 122 vào điểm cao 1875 hoặc trận ngày 25-2 của Tiểu đoàn 1 Mèo Vạc tập kích địch đột nhập xã Thượng Phùng và tập kích đồn Hoà Bình.
Công an vũ trang Thanh Thủy, Hà Tuyên trên chốt |
Từ 4-3, để hỗ trợ cho hai cánh quân trên hướng Hoàng Liên Sơn và Lai Châu, ở Hà Tuyên địch đẩy mạnh các hoạt động tiến công cấp đại đội, tiểu đoàn nhằm vào các đồn biên phòng và các xã biên giới: Ngày 5-3 tiến công đồn Lũng Làn và điểm cao 1379 Phìn Lò (Mèo Vạc), ngày 6 và 7-3 đánh Bản Păng, Bản Máy (Xín Mần); ngày 8 và 9-3 đánh Phó Bảng (Đồng Văn); ngày 11-3 tiến công khu vực Lao Chải (Vị Xuyên); ngày 13-3 tiến công điểm tựa của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 122… đều bị đẩy lui. Đến ngày 14-3 chiến sự tạm thời lắng xuống. Trong đợt chiến đấu này lực lượng vũ trang Hà Tuyên đã tham gia chiến đấu 61 trận, có 1 cá nhân và 1 đơn vị công an biên phòng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Theo công bố chính thức, trên cả ba mặt trận Quảng Ninh, Lai Châu và Hà Tuyên, các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến 14.000 quân Trung Quốc (trong đó Hà Tuyên tiêu diệt khoảng 1.000 địch), đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn địch, phá hủy 4 xe tăng và 6 xe quân sự.
Trên mặt trận Hoàng Liên Sơn
Hoàng Liên Sơn là trọng điểm tiến công chính của quân Trung Quốc trên tuyến biên giới Tây Bắc. Tại đây địch tổ chức tiến công quy mô lớn theo hai trục: từ Quang Kim (Bát Xát) đánh xuống Cam Đường, Bến Đền và từ Nà Lốc vào Bản Phiệt (Bảo Thắng) theo quốc lộ 70 đánh xuống Phong Hải, Phố Lu. Để hỗ trợ cho các hướng chính, đối phương còn cho các mũi vu hồi đánh vào Sa Pa, Mường Khương.
Ngay trong đêm 16 rạng 17-2-1979, lợi dụng trời tối và sương mù, quân Trung Quốc đã bí mật cho một lực lượng lớn vượt biên giới, luồn sâu ém sẵn ở các khu vực Na Lốc, Lều Nương (bắc Bản Phiệt), bản Vược Duyên Hải (bờ nam sông Hồng phía tây bắc thị xã Lào Cai), Mường Khương (Hoàng Liên Sơn), đồng thời triển khai đội hình chủ lực sáp sát biên giới Việt Nam.
6 giờ sáng 17-2-1979, sau khi cho pháo binh bắn chuẩn bị với mật độ cao, trên hướng chủ yếu quân Trung Quốc bắc cầu phao vượt sông Hồng và tổ chức tấn công. Các đơn vị của ta lúc đầu bị bất ngờ, bị động nhưng ngay sau đó đã kịp thời triển khai đội hình chiến đấu.
Trung đoàn bộ binh 192, 254 bộ đội Hoàng Liên Sơn, Trung đoàn 16 công an vũ trang, Đồn biên phòng Vạn Hòa, Pha Long, Mường Khương, Nà Lốc, Nậm Chảy… cùng bộ đội địa phương huyện và dân quân tự vệ tổ chức đánh trả quyết liệt trên tất cả các hướng, trong khi pháo binh ta vừa chi viện bộ binh vừa phản pháo các trận địa hỏa lực ở Hà Khẩu và bắn phá các điểm vượt sông của địch.
Tuy nhiên nhờ có ưu thế vượt trội về binh hỏa lực, đến trưa 17-2 quân Trung Quốc đã chiếm các điểm cao ở phía bắc ngã ba Bản Phiệt, toàn bộ cánh đồng Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, thị xã Lào Cai và thị trấn Mường Khương, Bát Xát. Các đơn vị ta bị tổn thất phải lùi về phía sau tổ chức phòng ngự, tuy nhiên vẫn tiếp tục cho lực lượng bám đánh ngay cả ở những khu vực đối phương đã làm chủ và phải đến tận 19-2 quân Trung Quốc mới thực sự kiểm soát được thị xã Lào Cai.
Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu 2 ra lệnh cho Sư đoàn bộ binh 316 (thiếu Trung đoàn bộ binh 98) từ Bình Lư, Phong Thổ (Lai Châu) cơ động lên tổ chức trận địa phòng ngự ở khu vực Sa Pa từ ngày 19-2. Đồng thời, Sư đoàn bộ binh 345 ở Bảo Thắng nhanh chóng đưa Trung đoàn bộ binh 124 vào xây dựng tuyến phòng thủ ở khu vực nông trường Phong Hải (cây số 18 trên quốc lộ 70).
Ngày 19-2, quân Trung Quốc tiếp tục tiến công chiếm ngã ba Bản Phiệt, dãy Nhạc Sơn và cây số 4 Kim Tân. Ở phía hữu ngạn sông Hồng đối phương chiếm khu vực Đá Đinh, mỏ a-pa-tít Cam Đường. Trên hướng Mường Khương, sau khi chiếm thị trấn địch theo đường 4D phát triển xuống khu vực nông trường Thanh Bình. Trên hướng Sa Pa một bộ phận địch luồn lách từ khu vực Quang Kim lên Bản Khoang rồi đánh lên Ô Quý Hồ (cây số 8 trên đường 4D Sa Pa đi Bình Lư (Lai Châu), một bộ phận khác tiến công từ Cốc San lên Cầu Đôi để phối hợp với mũi vu hồi Ô Quý Hồ đánh chiếm Sa Pa.
Trung đoàn pháo binh 168 Quân khu 2 chi viện cho mặt trận Hoàng Liên Sơn. |
Ngày 22-2, cuộc chiến đấu của Sư đoàn 316 trên hướng Sa Pa bắt đầu. Sư đoàn 345 cũng tiến hành chặn đánh địch trên hướng từ Lào Cai đi Bảo Thắng. Trên tất cả các trục tiến công của đối phương, lực lượng vũ trang ta đã dũng cảm chiến đấu tuy nhiên do tương quan quá chênh lệch nên không thể cản được đà phát triển của chúng, phải vừa đánh vừa rút lui để bảo toàn lực lượng.
Ngày 25-2, địch chiếm được thị xã Cam Đường (cách thị xã Lào Cai 10km). Ngày 1-3, địch chiếm thị trấn Sa Pa (cách thị xã Lào Cai 38km) và tiếp tục đánh về Bình Lư. Đến ngày 4 và 5-3 quân Trung Quốc đã tiến xuống cây số 36 trên quốc lộ 70, chiếm được Phố Lu (cách thị xã Lào Cai 32km), Bến Đền. Ngày 5-3, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố rút quân. Từ ngày 6-3 trên hướng này quân Trung Quốc bắt đầu tổ chức rút về bên kia biên giới và hoàn tất vào 13-3-1979.
Theo công bố chính thức, các lực lượng vũ trang và nhân dân trên mặt trận Hoàng Liên Sơn từ ngày 17-2 đến 18-3-1979 đã loại khỏi vòng chiến 11.500 quân Trung Quốc, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 66 xe tăng, thiết giáp và 189 xe quân sự. 12 cá nhân và 6 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Bài 1: Tương quan và Thế trận
Bài 2: Diễn biến cuộc chiến trên các mặt trận chính
Bài 3: Diễn biến cuộc chiến đấu trên mặt trận Lạng Sơn - Cao Bằng
Bài 4: Cuộc chuyển quân thần tốc