Biển Đông bất ổn vì chính sách lộn xộn của Trung Quốc
Hãy thử tưởng tượng một kịch bản: Chính quyền tiểu bang Hawaii của Mỹ một ngày kia thông qua điều luật cho phép cảnh sát biển của bang này khám xét, tịch thu tàu của nước ngoài hoạt động ngoài khơi cách thủ phủ bang hơn 1.000km. Nhiều người sẽ cho rằng đây là điều không tưởng và “lố bịch” nhưng thực tế đó chính là điều đang diễn ra ở Trung Quốc. Vừa cách đây chừng 1 tuần, chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã trao quyền cho một đơn vị cảnh sát biển để ngăn cản sự hoạt động “trái phép” của các tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của đảo bao gồm phần lớn Biển Đông, khu vực mà nước này đơn phương tuyên bố “là của họ”.
Vào thời điểm mà cộng đồng quốc tế đang chú ý tới Trung Quốc với vai trò là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thì chính các chính sách đối ngoại không rõ ràng và nhất quán này của Trung Quốc đã gây nên sự rối loạn và căng thẳng gia tăng trong khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc thường xuyên đưa tàu hải giám ra Biển Đông để ngầm "đánh dấu lãnh thổ" mà họ đơn phương tuyên bố bất chấp sự phi pháp theo các quy định của luật pháp quốc tế. |
Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia đã đưa ra lời phản đối với quyết định này của chính quyền tỉnh Hải Nam. Ấn Độ, quốc gia đang hợp tác với Việt Nam trong các dự án thăm dò và khai thác dầu khí cũng đã tuyên bố sẽ đưa tàu chiến của mình tới Biển Đông để bảo vệ các lợi ích quốc gia. Mỹ đã công khai yêu cầu Bắc Kinh phải giải thích rõ mục đích của điều luật mới đó và khẳng định, nếu nó được thực thi sẽ không mang lại lợi ích gì.
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, việc một chính quyền địa phương có thể đơn phương làm cho một trong các vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất của Trung Quốc thêm tồi tệ đã cho thấy tình trạng “sai chức năng” và nguy cơ tiềm ẩn trong việc ra chính sách ở đây. Hãng tin Reuters đã trích dẫn phát biểu của một nhà ngoại giao phương Tây ở Trung Quốc yêu cầu giấu tên nói: “Điều này cho thấy sự lộn xộn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã góp phần lớn vào sự bất ổn ở Biển Đông”.
Theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), Trung Quốc hiện đang có ít nhất 11 cơ quan chính phủ có can dự tới Biển Đông và điều nguy hiểm là tất cả các cơ quan này có thể có hành động gây hậu quả nghiêm trọng về mặt ngoại giao và có thể khiến vấn đề Biển Đông “vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.
Khi phóng viên của Reuters phỏng vấn một lãnh đạo Sở Ngoại vụ Hải Nam rằng liệu quyết định “cho phép cảnh sát biển Hải Nam bắt giữ, khám xét tàu thuyền nước ngoài” có được chính quyền trung ương Trung Quốc phê duyệt hay không, ông này đã trả lời một cách rất ấp úng rằng, “tôi nghĩ quyết định mà Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua có thể đã được gửi lên Bắc Kinh để lấy ý kiến”. Nhưng khi bị truy vấn sâu hơn nữa, ông này lại nói do ông ta không ở trong HĐND nên ông ta không chắc liệu trung ương đã được biết về quy định mới này trước khi nó được công bố hay chưa.
Câu chuyện này cho thấy, Trung Quốc đã cố gắng để phối hợp các cơ quan này với nhau nhưng họ đã không thu được kết quả và thực tế đã nhiều lần chứng minh, các quyết định liên quan đến vấn đề Biển Đông ở Trung Quốc thường được đưa ra theo kiểu “mỗi nơi một phách”.
Trong khi đó tình hình ở Biển Đông ngày một xấu đi. Mới đây, dư luận khu vực lại nổi sóng khi Trung Quốc đưa các vùng lãnh thổ trên Biển Đông thuộc chủ quyền của nước khác vào bản đồ in trên mẫu hộ chiếu mới. Ông Zhu Feng ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế thuộc ĐH Bắc Kinh cho biết, đây là mẫu hộ chiếu phổ thông do Bộ Công an nước này ban hành. “Tôi cho rằng họ (Bộ Công an Trung Quốc) muốn làm điều gì đó để thể hiện sự ủng hộ của mình đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc song tôi không chắc rằng họ nhận được sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao”.
Hộ chiếu đường lưỡi bò chính là ví dụ điển hình nhất của sự lộn xộn trong các chính sách liên quan đến Biển Đông của Trung Quốc. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc là nơi cấp hộ chiếu công vụ và ông Feng cho biết mẫu hộ chiếu này không có gì thay đổi và không có hình bản đồ “lưỡi bò”. Điều này cho thấy Bộ Ngoại giao Trung Quốc được ủy quyền phối hợp với các cơ quan nhà nước khác nhưng họ lại không có quyền lực hành chính để thực hiện một cách hiệu quả. Nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói: “Ở Trung Quốc, Bộ Ngoại giao bị hạ cấp còn những bộ ngành khác đua nhau ra các quyết định khác nhau và không hề có kết nối với nhau”.
Một yếu tố gây rắc rối khác trong các tuyên bố về lãnh thổ ở Biển Đông là việc bản thân Trung Quốc cũng không thể có lời giải thích nào hợp lý cho cái gọi là “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) trên bản đồ khu vực mà họ sử dụng để tuyên bố lãnh thổ của mình. Carlyle Thayer – chuyên gia về Biển Đông của Đh New South Wales của Australia cho biết, trong 26 hội nghị mà ông tham dự trong vòng 2 năm qua, ông đã đặt câu hỏi về “cơ sở nào để Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò” và đều không nhận được câu trả lời rõ ràng.
Một nhà ngoại giao khác cũng đang làm việc ở Bắc Kinh cũng có cùng quan điểm này khi cho rằng: “Trung Quốc thậm chí không đánh dấu được chính xác những khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền và điều này khiến khó có thể xác định tuyên bố của họ bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu. Chúng tôi đã nhiều lần hỏi họ về những điểm đánh dấu chính xác song họ không thể chỉ cho chúng tôi”.
Theo giáo sư Thayerm, sự “lộn xộn” này cho thấy Trung Quốc đang phải chịu áp lực quá lớn trong việc phải thể hiện vị thế của mình.
Có điều sự lộn xộn này có thể sẽ còn bị kéo dài hơn nữa bởi bộ máy lãnh đạo mới của Trung Quốc đang phải rất đau đầu trong việc tìm ra các giải pháp ổn định xã hội trong nước, cải cách kinh tế và chưa có nhiều thời gian cho các chính sách đối ngoại.